Tiền tệ linh hoạt, tài khóa không vội vàng
Chính sách tiền tệ hiệu quả
Nhìn lại 2018, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng ở quý thứ 6 liên tiếp trong quý IV/2018, đưa tốc độ tăng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. CPI bình quân cả năm tăng 3,54%, trong vùng chỉ tiêu được Quốc hội giao; kinh tế vĩ mô ổn định.
Ảnh minh họa |
Có được thành công này không thể không nhắc tới đóng góp của chính sách tiền tệ. Theo đó, trong bối cảnh chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát, như tín dụng cả năm chỉ tăng 14%, song NHNN đã có những giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả của tín dụng như nắn dòng tín dụng vào SXKD, nâng cao chất lượng tín dụng đi đôi với việc quyết liệt xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) ghi nhận, điều hành của NHNN rất ấn tượng và hiệu quả, NHNN tiếp tục kiểm soát tín dụng cho các ngành tiềm ẩn rủi ro. Báo cáo của CIEM cũng nhận định: “Nhìn chung, NHNN đã chuyển cách thức điều hành khá linh hoạt, phù hợp với diễn biến dòng vốn nước ngoài, nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại cũng như phát hành TPCP”. Nhờ đó, tác động đối với lạm phát không nhiều, thể hiện qua việc lạm phát cơ bản có xu hướng giảm trong năm; trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
Một thành công nữa là điều hành tỷ giá và công tác truyền thông về tỷ giá. Theo đó, NHNN đã vận dụng nhiều công cụ linh hoạt hơn, chứ không chỉ là tỷ giá trung tâm, để ứng phó hiệu quả với các cú sốc liên quan đến thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Fed tăng lãi suất, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ leo thang kéo theo những dự báo về sự đảo chiều của dòng vốn FDI... “việc NHNN thông tin chừng mực hơn về định hướng điều hành tỷ giá trong quý III và quý IV – khác với cùng kỳ 2017 – cũng tạo thêm sự linh hoạt cần thiết trong xử lý các bất định truyền tải từ thị trường quốc tế”, ông Dương bình luận.
Không chỉ kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, mà theo ông Dương, công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN còn mang lại hiệu quả quan trọng khác. Đó là “công tác kiểm soát lạm phát trong nước và giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam mới là yếu tố góp phần thúc đẩy xuất khẩu”.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh đã giúp cán cân thương mại thặng dư kỷ lục 6,8 tỷ USD trong năm 2018, qua đó lại hỗ trợ cho công tác ổn định thị trường ngoại hối và gia tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vào tháng 12/2018, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào thời điểm ấy ước khoảng 12 tuần nhập khẩu.
Duy trì dư địa để ứng phó với các cú sốc
Chính sách tài khóa cũng đã có một năm thành công toàn diện khi thu ngân sách vượt dự toán 7,8%; trong khi chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm; thâm hụt NSNN chỉ ở mức 3,67% GDP - thấp hơn so với dự toán được Quốc hội phê duyệt. Nợ công chỉ còn 61% GDP…
Đặc biệt, trong bối cảnh ở từng tháng đều thấy mức tăng chỉ số giá tiêu dùng không cao, NHNN đã duy trì lạm phát cơ bản ở mức 1,46%, mọi dự báo đều tin rằng lạm phát sẽ ở trong mức mục tiêu. Nhưng điều hành tài khóa năm 2018 không “vội vàng” theo hướng nới lỏng.
“Đây là điểm tích cực lớn nhất khi chính sách tài khóa vẫn hướng nhiều hơn đến phối hợp cùng chính sách tiền tệ để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì dư địa để ứng phó nếu có thêm diễn biến bất lợi sau này”, ông Nguyễn Anh Dương nhận xét.
Đồng thời, với vai trò là tổ trưởng Tổ điều hành giá, Bộ Tài chính đã theo sát các diễn biến để đưa ra liều lượng, thời điểm điểu chỉnh giá các mặt hàng mà nhà nước quản lý, không để việc điều hành giá các mặt hàng này tác động mạnh đến lạm phát.
Bộ Tài chính cũng thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình thu, chi NSNN, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản với NHNN để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong điều hành thị trường tài chính và thị trường tiền tệ; phối hợp chặt chẽ với NHNN tập trung quản lý các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi của NSNN; điều hòa luồng tiền ngoại tệ giữa NSNN với NHNN...
Nhấn mạnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá là hai chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, có cùng mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra và ổn định các phân khúc của thị trường, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng ghi nhận: “Trong năm qua, Bộ Tài chính và NHNN đã phối hợp chặt chẽ để ổn định các phân khúc của thị trường để điều hành hiệu quả với những biến động trong năm 2018, tạo niềm tin cho DN trong nước và nước ngoài”.
Có thể khẳng định chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tài khóa đã có một năm thành công trong điều hành và trong phối hợp giữa 2 chính sách cũng như với các chính sách vĩ mô khác góp phần quyết định vào ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng, mở rộng dư địa chính sách.
Báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,93%; thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng (bình quân năm 2019 so với bình quân năm 2018) khoảng 3,88%. |