Tiền tệ - tài khoá: Chung tay thúc đẩy tăng trưởng
Nền kinh tế trong quý III/2021 đã phản ánh rõ những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khi tăng trưởng GDP quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ khi thống kê về GDP theo quý. Tính chung GDP trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, giới chuyên môn cho rằng kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong quý III kèm theo các hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề sẽ phải mất nhiều thời gian sau mới khắc phục được. Nếu không có những giải pháp đột phá, theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - tăng trưởng quý IV có thể tiếp tục âm và GDP cả năm 2021 có thể chỉ đạt từ 1,2% - 1,8%.
Trước tình thế khó khăn, tại buổi làm việc mới đây với các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng chủ trương phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ một cách linh hoạt và phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nhằm phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện dư địa của chính sách tiền tệ là rất hạn hẹp, vì vậy giới chuyên môn khuyến nghị, để nền kinh tế phục hồi và tăng tốc trong thời gian tới, cần dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa.
Các biện pháp miễn, giảm thuế chỉ có ý nghĩa khi doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận |
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, điều mà người dân, doanh nghiệp cần trong thời điểm hiện tại là một gói kích thích tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế. Đặc biệt, để tạo động lực mới cho tăng trưởng cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ chứ không tập trung nhiều vào chính sách tiền tệ. “Doanh nghiệp không thể trông vào NHTM, Chính phủ cũng không thể dựa vào NHTM. Họ không phải là cơ quan tài trợ, họ cũng là doanh nghiệp, có trách nhiệm lớn lao đảm bảo uy tín với người gửi tiền, cổ đông, nhà đầu tư. Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào sự phối hợp khéo léo của chính sách tiền tệ và tài khoá”, ông Nghĩa nhấn mạnh và nói rõ thêm: Ngân sách không thể mang tiền cho doanh nghiệp, nhưng có thể tài trợ cho người lao động qua doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ nộp danh sách số lao động cần duy trì để nhận hỗ trợ. Việc hỗ trợ trả lương cho người lao động sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân được lao động và nhanh chóng đi vào phục hồi sản xuất khi có thể. Việc hỗ trợ sẽ không thông qua các địa phương mà qua trực tiếp một cơ quan chức năng của Chính phủ. Việc thứ hai ngân sách có thể làm là thông qua tài trợ để giảm lãi suất cho các khoản vay mới của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, quy mô các gói hỗ trợ tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo tính toán của ông, số tiền thực chi cho các gói hỗ trợ của Chính phủ từ năm ngoái đến nay mới khoảng 4% GDP - khá thấp so với mức 8-9% GDP của các nước trong khu vực. Trong khi tác động của dịch bệnh tại Việt Nam nguy hại không kém so với các nước, cho thấy sự cần thiết phải có thêm gói hỗ trợ mới quy mô khoảng 1-2% GDP tương đương 80-160 nghìn tỷ đồng để phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới. “Nước ta hoàn toàn có đủ dư địa để thực hiện các gói hỗ trợ này”, TS. Cấn Văn Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lúc này chúng ta cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng so với GDP. “Hiện lãi suất vay đang thấp nên Chính phủ xem xét phát hành trái phiếu thậm chí là vay quốc tế. Chẳng hạn, như ADB đang sẵn sàng cho chúng ta vay kỳ hạn 7-10 năm với mức lãi suất cũng khá hợp lý. Có thể một vài năm tới lãi suất sẽ tăng, nhưng cũng trong thời gian này kinh tế Việt Nam đã hồi phục, mọi thứ quay lại quỹ đạo, thu ngân sách tăng lên sẽ kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn nên không quá quan ngại”, TS. Lực lý giải thêm.
Còn với chính sách tiền tệ, TS. Lực cho rằng, hiện dư địa chính sách là khá hạn hẹp. Đặc biệt, ông khuyến nghị NHNN không nên giảm lãi suất điều hành vì lạm phát đang nhích lên, và các nước có xu hướng tăng lãi suất điều hành. Tuy nhiên hệ thống các TCTD cân nhắc giảm chi phí và tiếp tục giảm lãi suất cho vay cả hiện tại và cho vay mới theo đúng tinh thần Thông tư 14 sẽ hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp. Nhìn xa hơn sang năm 2022, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, NHNN có thể định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 12-13% để giúp cho nền kinh tế phục hồi tốt hơn. Qua đó cũng là nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là ngân hàng giảm nợ xấu trong tương lai.
Chia sẻ thêm về những biện pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng thời gian qua, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cả các biện pháp trực tiếp thông qua các TCTD và các biện pháp gián tiếp cho vay tái cấp vốn, hạ lãi suất điều hành, ban hành quy định về cơ cấu nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ, miễn giảm phí dịch vụ... Trong khi đó, chính sách tài khóa đã áp dụng như hoãn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động, không có thu nhập. Thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới hiện nay cho thấy, hiếm có quốc gia nào sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng Covid-19, mà họ thường sử dụng chính sách tài khóa phối hợp với chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và thực tế. “Vì vậy, cần có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ các gói chính sách tài khóa khác trong thời gian tới”, TS. Hùng khuyến nghị.
PGS.TS. Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, dư địa của chính sách tiền tệ rất hạn hẹp, không chỉ đối mặt với sức ép lạm phát, giá cả tiêu dùng, dẫn tới khả năng hạ lãi suất tiếp gần như là không có. Lạm phát do chi phí đẩy là một rủi ro cần phải được giám sát chặt, bất kỳ một sự nới lỏng tiền tệ nào đều cần phải hết sức thận trọng. Vì vậy, việc hỗ trợ nền kinh tế tiếp theo, nếu có, cần đến từ chính sách tài khoá. Tuy nhiên ông cũng lưu ý, các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn là hữu hạn, không thấm tháp gì so với nhu cầu của nền kinh tế. Không có cách nào khác là phải để nền kinh tế tự cứu lấy nó bằng cách “mở cửa” trở lại các hoạt động sản xuất và tiêu dùng.