Tiền tệ và tài khóa: Linh hoạt, thận trọng
Tiền tệ - tài khoá là chất xúc tác cho tăng trưởng
Dưới tác động của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều biến động mạnh buộc các quốc gia phải ban hành nhiều chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên việc tăng cường sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khoá (CSTK) là rất quan trọng nhằm vừa hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực, vừa hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Chính phủ Việt Nam cũng dành lượng ngân sách đáng kể hỗ trợ người dân, DN... NHNN Việt Nam cũng nhanh chóng vào cuộc, chủ động triển khai các giải pháp tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó đại dịch. Cụ thể, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; đồng thời cũng như đảm bảo thanh khoản cho hệ thống TCTD đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn để tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế sớm hồi phục sau dịch.
Đánh giá về CSTK và CSTT, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, cả hai chính sách đều được điều hành khá hiệu quả; sự phối hợp giữa hai chính sách ngày càng nhuần nhuyễn. Đơn cử năm 2020, trong bối cảnh Chính phủ cần thêm nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, việc NHNN ba lần giảm lãi suất điều hành đã giúp kéo giảm lợi suất TPCP, qua đó hỗ trợ Kho bạc Nhà nước dễ huy động vốn với chi phí thấp hơn, tiết kiệm cho Chính phủ trong bối cảnh ngân sách khó khăn.
TS. Quách Mạnh Hào - Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học Lincoln - Vương quốc Anh cũng cho rằng, CSTT và CSTK đã trở thành chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 là điều ít quốc gia làm được thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi và các gói chi tiêu công và hỗ trợ DN…
Thận trọng hơn trong điều hành
Theo giới chuyên môn, trong năm 2021, dù kinh tế Việt Nam được đánh giá khá tích cực, nhưng CSTT và CSTK vẫn phải ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng. Song thách thức đặt ra đối với các nhà điều hành là phải giữ được CSTT, CSTK cùng đồng hành, bổ trợ cho nhau để không làm mất đi các cân đối lớn vĩ mô.
Nhấn mạnh mở rộng chính sách trong thời kỳ khó khăn như năm 2020 là điều cần thiết, nhưng theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, khi kinh tế phục hồi, áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Vì vậy việc điều hành CSTT cần phải thận trọng. “Năm 2021 chưa áp lực, nhưng năm 2022 có thể nhìn thấy rõ hơn áp lực lạm phát vì các nước đều nới lỏng chính sách tiền, tiền nhiều giá hàng hóa sẽ tăng”, TS. Độ nói. Không chỉ CSTT, mà theo ông, CSTK cũng nên bình thường hóa. Một mặt tiếp tục các biện pháp hỗ trợ người dân và DN; mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, thực hiện cắt giảm chi tiêu nhất là chi thường xuyên, nâng cao tính tiết kiệm, hiệu quả, kỷ luật trong chi ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải ngân vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.
Cũng cho rằng cần cẩn trọng với lạm phát, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV đề nghị, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa CSTT, CSTK và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu. Trong đó, phải theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách nhằm ổn định thị trường. “Đối với CSTT tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, phối kết hợp tốt với CSTK thận trọng, thích ứng, đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát...”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
TS. Võ Trí Thành lưu ý, sự phục hồi nền kinh tế đang diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và rủi ro, trong khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật điều hành chính sách làm sao phải phù hợp với diễn biến của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có thể ứng phó nhanh, hiệu quả với các cú sốc bên ngoài. “Trong bối cảnh phức tạp như vậy phải theo dõi rất sát cả tình hình chính trị, kinh tế, các chính sách đặc biệt là CSTT của các nước lớn”, TS. Thành khuyến nghị và đề xuất, trong năm 2021, NHNN cố gắng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như hiện tại để giúp DN vượt khó, cũng là nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng.
Đồng quan điểm, TS. Quách Mạnh Hào cho rằng, nếu như năm 2020 sự nới lỏng CSTT và tài khoá là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế thì bước sang năm 2021 nên điều chỉnh theo hướng thận trọng. Bởi lãi suất quá thấp sẽ kích thích hoạt đầu cơ tạo rủi ro ngoài sản xuất và làm tăng bong bóng tài sản. Minh chứng là sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian qua không phản ánh đúng sự thịnh vượng của nền kinh tế. Điều này tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng năm tiếp theo.