Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất, ổn định tỷ giá
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo hướng phấn đấu giảm lãi suất |
Tín dụng tăng chậm do cầu thấp
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay (3/3), Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trên thị trường tài chính, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày 2/3, chỉ số USD Index ở mức 104,49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.
Diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ của CSTT. Cụ thể, về hoạt động nghiệp vụ thị trường mở, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ và tình hình vốn khả dụng của các TCTD để ổn định thị trường tiền tệ, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của các TCTD. Theo đó, NHNN duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá hàng ngày nhằm hỗ trợ nhu cầu vốn cho các TCTD, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, NHNN thực hiện chào bán tín phiếu NHNN nhằm phối hợp đồng bộ trong việc điều hành các công cụ CSTT.
Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Từ đầu năm đến nay (3/3), VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.
Ngoài tỷ giá, lãi suất là một trong những điểm nhấn tích cực trên thị trường tiền tệ. Thời gian qua, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%/năm. Đã có 22 NHTM giảm lãi suất cho vay. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.
Về tín dụng, Thống đốc cho biết, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước.
Lý giải về việc tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh room tín dụng dồi dào, thanh khoản hệ thống dư thừa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, do 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng với đó là sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Nguyên nhân nữa, theo Thống đốc, những năm trước, tín dụng BĐS tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các NHTM, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các TCTD mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.
Ngân hàng chuẩn bị nguồn lực cho gói hỗ trợ vay nhà ở xã hội
Cũng thông tin tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân sẽ được triển khai ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội.
Hiện NHNN đã làm việc với các NHTM Nhà nước và các TCTD để chuẩn bị nguồn cho gói tín dụng này. Việc giải ngân sẽ dựa trên danh mục nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đưa ra. Chiều qua, Bộ Xây dựng cho biết sẽ dừng nghiên cứu gói tín dụng 110.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội như đề nghị trước đó, thay vào đó là sẽ phối hợp với NHNN triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lo ngại về bố trí nguồn vốn cũng như thủ tục. Theo đó, triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng như đề xuất của NHNN sẽ đơn giản về thủ tục và có nguồn để thực hiện được ngay.
Trước đó, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tháng 2/2022, liên quan đến đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc có riêng một gói tín dụng cho nhà ở xã hội là cần thiết để tăng cung. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu là vấn đề cần phải cân nhắc. Với nguồn vốn từ tái cấp vốn, đây là cung ứng tiền ra trong 10 - 15 năm, có thể làm giảm tính linh hoạt của chính sách tiền tệ. Trong khi đó, ngành Ngân hàng cũng phải dồn vốn cho các lĩnh vực kinh tế khác và đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu.
Về phía các NHTM, ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng dự kiến dành 30.000 tỷ đồng trong gói tín dụng NHNN công bố. “Hiện ngân hàng đang xây dựng chính sách và sản phẩm với tinh thần sẽ triển khai nhanh và thực chất”, ông Bình thông tin thêm.
Một ngân hàng lớn nữa là BIDV tiết lộ, trong vài ngày nữa BIDV sẽ cung cấp thông tin cụ thể về việc ngân hàng tham gia gói tín dụng này. Lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Dù chưa có hướng dẫn cụ thể song theo các chuyên gia, gói 120.000 tỷ đồng là gói vay thương mại, doanh nghiệp, người mua nhà đáp ứng các điều kiện sẽ được vay, đặc biệt là điều kiện về mặt pháp lý của dự án. Nếu triển khai được, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ có tác dụng rất lớn với thị trường bất động sản, tương tự gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm.