Tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay
Hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng khách hàng Các ngân hàng vào cuộc, hiện thực hóa giấc mơ ‘vay vốn rẻ’ của doanh nghiệp |
Theo kế hoạch của đại hội đồng cổ đông, Techcombank sẽ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15% (một cổ phiếu sẽ nhận 1.500 đồng); MB sẽ chia 5%, (một cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng). Ngoài hai ngân hàng trên được phép chia cổ tức một phần bằng tiền mặt, năm nay còn có các ngân hàng khác cũng sẽ chia cổ tức tiền mặt, như TPBank chia tỷ lệ 12,5%, VIB 12,5%, ACB là 10%, HDBank là 10%, VPBank là 10%, Eximbank 3%…
Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, trong đó NHNN khuyến khích các TCTD trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD đang có xếp hạng từ mức trung bình trở xuống; hoặc mức vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ mục tiêu theo quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg (nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng...) không chia cổ tức bằng tiền mặt. NHNN cũng yêu cầu các TCTD xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2024 bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN.
Theo các công ty chứng khoán, việc nhiều TCTD đủ điều kiện chia cổ tức một phần bằng tiền mặt là thông tin tích cực trên thị trường cổ phiếu, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả, duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) mỗi cổ phiếu ngân hàng lại ở mức thấp, vào cỡ 8-9 lần, thấp hơn mức P/E toàn thị trường ở mức 15%. Nguyên do được các chuyên gia tài chính cho rằng, những năm gần đây hệ thống ngân hàng phải thực hiện chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp, nền kinh tế. Đơn cử, theo Thông tư 02/2023/TT-NHN, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Thực hiện hoạt động cơ cấu nợ này các TCTD cũng tạm thời không phải trích lập dự phòng đầy đủ những khoản nợ được cơ cấu. Song thực tế hầu hết các ngân hàng đều thực hiện trích lập đầy đủ, tạo bộ đệm an toàn cho hoạt động kinh doanh trong tương lai, khi Thông tư 02 hết hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, những năm gần đây theo yêu cầu của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN hệ thống các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng nên lợi nhuận của nhiều ngân hàng không được khả quan như giai đoạn trước dịch Covid-19. Mới nhất, tại Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/5/2024, trong đó yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân...