Tìm động lực cải cách thuế, hải quan
Được công bố cách nhau chưa đầy 1 tháng, hai cuộc khảo sát về mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với thủ tục hành chính (TTHC) thuế và hải quan cho thấy khá nhiều điểm tương đồng trong cảm nhận của DN.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị thực hiện khảo sát lưu ý, thuế và hải quan là 2 mắt xích quan trọng để đánh giá môi trường đầu tư. Vì vậy, mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với 2 ngành này sẽ phần nào phản ánh môi trường kinh doanh trong nước có đang thực sự cải thiện như kỳ vọng.
Chất lượng cải thiện nhẹ, “lót tay” tăng lên
Đánh giá một cách tổng quan, cảm nhận của DN về các vấn đề như tiếp cận thông tin, thực hiện các TTHC, cũng như thái độ, chuyên môn nghiệp vụ của công chức 2 ngành thuế và hải quan đều có sự cải thiện so với các lần khảo sát trước đó. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện nói chung còn chậm và tỷ lệ DN đánh giá tiêu cực về từng vấn đề vẫn còn khá cao.
Ứng dụng CNTT, giảm tiếp xúc giữa cán bộ và DN sẽ tăng cường tính minh bạch |
Đơn cử như trong vấn đề tiếp cận thông tin, khảo sát năm 2016 cho thấy tỷ lệ DN gặp vướng mắc với thủ tục thuế là 55% và hải quan là 47%. Hay như trong vấn đề thực hiện TTHC, tỷ lệ DN gặp phiền hà với ngành thuế là 41%, với ngành hải quan là trên 20%. Tương tự như vậy, có 53% DN đánh giá tốt/rất tốt về cán bộ thuế, trong khi tỷ lệ tương ứng với ngành hải quan thấp hơn ở mức khoảng 37%.
Bình luận về vấn đề này, cơ quan khảo sát cho rằng tỷ lệ DN gặp vướng mắc, phiền hà cần giảm xuống thấp hơn nữa; và tỷ lệ DN hài lòng với cán bộ 2 ngành này cần tăng lên cao hơn nữa, mới thực sự thể hiện cảm nhận tích cực của cộng đồng DN về môi trường đầu tư.
Trong khi đó một xu hướng đáng lo ngại xuất hiện, dù sự thuận lợi trong thực hiện TTHC ở 2 ngành thuế và hải quan tăng nhẹ, thì chi phí không chính thức cũng tăng theo. Cụ thể là trong khảo sát ngành thuế, 34% DN thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thanh kiểm tra thuế, tăng so với khảo sát năm trước đó là 32%. Tương tự như vậy, tỷ lệ DN cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ hải quan đã tăng nhẹ từ mức 28% lên 31%. Điều này phải chăng thể hiện sự thuận lợi của DN trong thực hiện TTHC có tăng lên là nhờ DN đã chấp nhận “lót tay” nhiều hơn?
Định hướng đúng, cách làm chệch hướng?
Với sự cải thiện có phần không rõ nét, nhiều DN cho rằng định hướng cải cách TTHC trong 2 ngành thuế và hải quan thời gian qua là đúng, nhưng cách thức thực hiện đang đi chệch hướng, thậm chí có chiều hướng tiêu cực.
Lấy ví dụ về việc cung cấp thông tin, một DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho biết, mặc dù cơ quan thuế đã công khai các văn bản về thuế trên trang thông tin điện tử, nhưng DN vẫn khó tìm kiếm thông tin cần thiết vì nội dung văn bản thường dài và phạm vi rộng.
“Việc này khiến chúng tôi cảm thấy sự minh bạch thông tin của cơ quan thuế vẫn chưa đến nơi đến chốn, tiếng là đăng tải công khai nhưng thật ra lại chưa minh bạch, rõ ràng”, vị này đánh giá.
Ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội DN quận Hải An, TP. Hải Phòng bổ sung, khi thực hiện thủ tục hải quan DN gặp quá nhiều văn bản hướng dẫn, có sự chồng chéo giữa các văn bản và DN cũng rất khó khăn để tiếp cận và áp dụng. Đồng thời, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa hải quan với các cơ quan quản lý chuyên ngành, DN gặp khó khăn khi chưa có đủ chứng từ để hoàn thiện hồ sơ thông quan.
Nhìn chung, các DN cho rằng mấu chốt của việc cải thiện chất lượng TTHC thuế và hải quan hiện nay vẫn tập trung ở vấn đề con người. Ông Lê Trung Thành, đại diện của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phản ánh, chất lượng dịch vụ hải quan ở các chi cục không đồng đều, việc áp dụng các quy định không thống nhất, tuỳ thuộc vào cách hiểu và cách áp dụng của công chức hải quan thực thi nhiệm vụ.
Ông Thành dẫn chứng trường hợp một DN thuộc tổ chức này nhập khẩu ngô từ Nga qua cảng Cái Lân, Quảng Ninh được thông quan nhanh chóng và áp thuế nhập khẩu 0% theo quy định của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu. Nhưng khi qua cảng ở Vũng Tàu thì lô hàng tương tự bị chặn lại và cán bộ hải quan ở đây đòi áp thuế 10%.
Trước những bất cập do sự phối hợp chưa đồng đều giữa cán bộ thuế, hải quan với nhiều ngành khác, các DN cho rằng cần thiết kế lại động lực tạo sức ép để cả ngành thuế, hải quan và các ngành khác nâng cao hiệu quả công việc một cách tự nguyện. Như vậy mới khiến cải cách của 2 ngành này diễn ra tự nhiên chứ không miễn cưỡng như hiện nay.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thuế, hải quan phân tích, 2 ngành này được giao chỉ tiêu thu thuế xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại… Rõ ràng, các chỉ tiêu như thu thuế, đóng góp bao nhiêu cho ngân sách là tương đối dễ nhìn thấy và hiện nay cán bộ 2 ngành chủ yếu bám vào đó để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, chỉ tiêu thuận lợi hoá thương mại lại chưa được cụ thể hoá ra là sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ đồng cho DN, từ đó tăng thu cho ngân sách qua thu thuế từ DN… Vì vậy chỉ tiêu này vẫn chưa phải động lực thực sự của ngành thuế, hải quan. Từ đó, trên thực tế mới diễn ra hiện tượng để tăng thu, các cơ quan này tìm cách kiểm soát chặt chẽ quá mức cần thiết, làm ảnh hưởng tới thuận lợi hoá thương mại. Và như vậy, các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư lại chạy theo đường vòng và tiến triển rất chậm chạp.
Cộng đồng DN đã “đặt hàng” nhiều vấn đề để 2 ngành thuế và hải quan cải thiện chính mình. Các đề xuất tập trung vào việc tiếp tục đơn giản hoá TTHC, với hơn 80% DN coi đây là yêu cầu hàng đầu. Bên cạnh đó, vấn đề cung cấp thông tin cho DN vẫn còn nhiều đất để cải thiện, với 70% DN cho rằng cơ quan thuế cần mở rộng các hình thức thông tin trong thực hiện TTHC thuế, trong khi 59% DN cho rằng cơ quan hải quan cần nâng cao chất lượng cung cấp thông tin. Tương tự như vậy, có trên 50% DN đề xuất 2 ngành thuế và hải quan cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với DN, nhằm tăng cường minh bạch và giảm chi phí không chính thức. |