Tìm giải pháp đảm bảo an toàn thanh toán trong kỷ nguyên số
Quản trị rủi ro đẩy lùi gian lận thanh toán Chuyển đổi số phải đi liền với đảm bảo an ninh, an toàn VNBA kêu gọi tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm đánh bạc |
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số dẫn đầu khu vực
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, giai đoạn 2020-2025 minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 đến 1 triệu giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng, đến nay lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).
"Với lượng thanh toán lớn hàng ngày, chuyển đổi số hết sức quan trọng và thiết thực. Đối với ngành ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 xảy ra," ông Hùng nói.
Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, Internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá trong vài năm gần đây, chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra nhanh chóng trong khu vực và đặc biệt là ở Việt Nam. Các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam đã rất chủ động trong việc đảm bảo bắt kịp các xu hướng và công nghệ. Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Các ngân hàng ở Việt Nam hiểu rằng chuyển đổi số không chỉ là một hay hai sự cải tiến, mà là một sự phát triển đổi mới liên tục.
Lãnh đạo VNBA tiết lộ sở dĩ chuyển đổi số như vậy là do trong giai đoạn vừa qua, các NHTM đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho công cuộc chuyển đổi số. Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin Techcombank tiết lộ, riêng ngân hàng này đã đầu tư 300 triệu USD cho chuyển đổi số. “Chúng tôi đã đầu tư khoảng 300 triệu USD về công nghệ và con người. Đây là 2 yếu tố mà không chỉ riêng Techcombank, mà các ngân hàng khác cũng đặc biệt quan tâm và luôn sẵn sàng đầu tư. Tôi tin rằng trong tương lai, tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ còn tăng nhiều hơn nữa”, ông Tuấn nhận định.
Ngoài nỗ lực của ngân hàng, để đạt kết quả này theo bà Winnie Wong một phần rất lớn là nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam, đặc biệt là NHNN đã rất chủ động và tạo môi trường tốt cho các ngân hàng hoạt động và phát triển. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số. Xu hướng này ở Việt Nam thậm chí phổ biến hơn các nước còn lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022 nhận thấy 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này là 94%. Vì vậy, theo đánh giá của Mastercard Việt Nam đang dẫn đầu trong việc nắm bắt kỹ thuật và chuyển đổi số. “Chúng tôi thấy rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục, các ngân hàng sẽ tiếp tục cập nhật, sử dụng và phát triển hơn nữa để nâng cao các dịch vụ ngân hàng và phục vụ tốt hơn cho khách hàng Việt Nam”, bà Winnie Wong nhận định.
Rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử diễn biến phức tạp, khó dự báo
Bên cạnh những thuận lợi, các đại biểu cho rằng, tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử cũng tăng mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ tại Toạ đàm |
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán NHNN cho biết, đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan này đánh giá có 4 nhóm khó khăn, thách thức chính.
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm. Ngành ngân hàng cũng như các bộ ngành trong thời gian qua triển khai rất quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, song vẫn chưa theo kịp.
Thứ ba, thiếu tương thích giữa các hạ tầng. Có thể nói, hiện nay, ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an (ngoại trừ Đề án 06 đang bước đầu triển khai), nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được.
Thứ tư, vấn đề con người. Tâm lý, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn còn lớn. Kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số của người dân còn nhiều hạn chế đã góp phần tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, gian lận.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, cùng với quá trình chuyển đổi số, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi chúng ta thực hiện chuyển đổi số, không chỉ các các tổ chức tài chính mà cả nước cần chung tay bảo vệ các giao dịch tài chính.
Bảo vệ thanh toán trong kỷ nguyên số
Để CĐS được toàn diện hơn trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và toàn xã hội nói chung, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đầu tiên là hành lang pháp lý phải đầy đủ. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đây sẽ là cơ sở để NHNNViệt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có chiến lược, bước đi phù hợp với luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ ban hành ra những chính sách, cơ chế sao cho phù hợp với sự phát triển của thị trường nói chung, của các tổ chức tín dụng nói riêng. CĐS cần được thực hiện toàn diện (thanh toán, cho vay, bảo lãnh, lưu trữ hồ sơ, quản trị….), muốn như vậy thì hành lang pháp lý cần đầy đủ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA chia sẻ giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số |
Đối với ngành Ngân hàng, hiện nay cũng đang có một số điểm quan trọng trong CĐS liên quan đến phương thức thanh toán như NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, trong đó có một phần nào đó liên quan đến cho vay trên môi trường điện tử. Tiếp đến, NHNN cũng đang chuẩn bị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có đặt vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ số, CĐS trong việc lưu trữ hồ sơ cho đến các hoạt động cho vay… Tuy nhiên, hiện nay muốn làm được việc đó cần phải có một bước nữa, có nghĩa, Chính phủ cần sớm công bố Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. "Tôi rất kỳ vọng, thời gian tới Chính phủ sẽ sớm ban hành được Nghị định thay thế Nghị định 101 này. Tôi cũng thấy tội cho ngành Ngân hàng, trong bối cảnh như vậy vẫn phải loay hoay, vẫn cố gắng làm sao làm được tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nói nhiều về cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Được biết, NHNN đã trình Chính phủ để phê duyệt cơ chế thử nghiệm này cách đây 2 năm. Do đó, để CĐS trong ngành Ngân hàng diễn ra một cách toàn diện, cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ", ông Hùng bày tỏ.
Thứ hai, để đảm bảo an toàn, ngoài cơ chế chính sách, thì một vấn đề hết sức quan trọng đó là phổ cập tài chính toàn diện đến tất cả người dân, phổ cập CĐS đến mọi người dân. NHNN và các NHTM cũng đã có rất nhiều hình thức truyền thông, tuy nhiên, mức độ hiểu biết, ý thức sử dụng của người dân về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một nội dung VNBA cũng đang chuẩn bị làm. VNBA sẽ đẩy mạnh truyền thông về tài chính và cảnh báo rủi ro trên các nền tảng chính thức và nền tảng mạng xã hội.
Thứ ba, liên quan đến chính các TCTD cũng nên chủ động cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo bằng các hình thức dán thông báo ở các trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch… để mọi người dân được biết và tránh được những rủi ro mất thông tin, mất tiền.
Thứ tư, với VNBA sẽ phổ cập kiến thức tài chính và cảnh báo rủi ro đến người dân thông qua nhiều hình thức. Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng để làm sao mọi người dân có thể hiểu và sử dụng được các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Vấn đề vừa đảm bảo hoạt động thanh toán điện tử được liên thông thuận lợi nhưng vẫn phải an toàn và ổn định, theo chia sẻ của ông Tuấn là một trong những vấn đề NHNN rất trăn trở. Đây cũng là nhiệm vụ chính của Vụ Thanh toán, NHNN. Để góp phần giảm dần các hành vi lừa đảo, gian lận, NHNN xác định có 5 nhiệm vụ chính.
Đầu tiên, hoàn thiện hành lang pháp lý. Nghị định sửa đổi Nghị định 101 đã trình Chính phủ hơn 4 năm. Rất mừng ngày 8/8 vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản là thống nhất với đề xuất trong dự thảo Nghị định sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu NHNN hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo kết luận của Thường trực Chính phủ trong phiên họp đó để trình Chính phủ trước ngày 18/8. Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị định này sẽ được Chính phủ ký ban hành trong quý III/2023.
Với Nghị định về Sandbox cũng đã trình Chính phủ khoảng 2 năm nay. Cũng rất mừng, vừa rồi Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ là NHNN hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8/2023. Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu trình Chính phủ trước ngày 20/8.
"Nếu như trong quý III/2023 này, 2 Nghị định này được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức NHNN sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan. Tất cả những nội dung này chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chi tiết. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024", ông Tuấn thông tin thêm.
Thứ hai, đảm bảo các hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia hoạt động thông suốt, liên tục 24/7. Đây là nhiệm vụ sống còn. Hiện nay, hệ thống thanh toán quốc gia đang giao dịch trên 800.000 tỷ đồng/ngày; hệ thống qua Napas có số lượng giao dịch trong năm 2022 đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm, dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt con số là 8,4 tỷ giao dịch/năm. Với số lượng giao dịch lớn như vậy, việc đảm bảo hệ thống thanh toán thông suốt là hết sức quan trọng. NHNN sẽ tích cực đôn đốc các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, bảo mật theo đúng như các bước đặt ra trong kế hoạch CĐS của ngành Ngân hàng mà Thống đốc đã ban hành.
Thứ ba, tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào trong quá trình CĐS, làm sao xây dựng được một hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu các bộ, ngành liên quan một cách liền mạch, tích hợp với nhau để cho các trải nghiệm của khách hàng một cách thông suốt. Ví dụ, trong Kế hoạch 01 phối hợp giữa NHNN với Bộ Công an đã có nội dung ứng dụng VneID (ứng dụng CCCD điện tử) một số tổ chức tín dụng hiện nay đã tiến tới tích hợp app Mobile Banking của mình trong ứng dung VneID, hay nói cách khác người dân khi vào VneID có thể thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản thông qua xác thực CCCD điện tử.
Thứ tư, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận. Đây là công tác thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. Các TCTD cũng cần hết sức quan tâm. Bởi đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, mà đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, toàn dân, trong đó có các TCTD. Hệ thống phòng chống rửa tiền, phòng chống lừa đảo, gian lận của các TCTD phải được triển khai, phải được ứng dụng một cách hiệu quả...
Thứ năm, tiếp tục truyền thông rộng rãi, phổ cập kiến thức tài chính và các cảnh báo đến người dân. Ngày 1/7/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 về bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân, do đó phải tiếp tục tăng cường, thúc đẩy, truyền thông vấn đề này để người dân ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua đó, từng bước giảm dần các thiệt hại do những hành vi lừa đảo, gian lận như trong thời gian vừa qua.