Tìm giải pháp để cung - cầu tín dụng gặp nhau
Ngân hàng và doanh nghiệp cần tăng niềm tin để hỗ trợ nhau Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp |
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ Nguyễn Kim Hùng cho biết, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gần xuống đáy chữ V nên đây là giai đoạn mà các doanh nghiệp vô cùng thận trọng trong câu chuyện vay vốn. Bởi vay vốn mà không có hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sẽ đè nặng lên chi phí dù hiện tại các ngân hàng cũng đang hết sức nỗ lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Hà - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TM & DV HTC, công ty được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi vay vốn. Hiện dư nợ vay ngân hàng của Công ty Cổ phần TM & DV HTC vào khoảng 20 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi. "Không hiểu trước đây tôi không quan tâm hay do bây giờ mới tiếp cận vốn ngân hàng tôi thấy việc tiếp cận vốn rất dễ dàng, thậm chí "dễ tới bất ngờ". Cán bộ ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp cận vốn vay, chưa gặp khó khăn nào", bà Hà chia sẻ.
Tuy nhiên những doanh nghiệp như HTC hiện tại không có nhiều, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng đang thận trọng trong vay vốn. Đề cập tới việc tiếp cận vốn ngân hàng, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp giảm sút 20-30% so với cùng kỳ do sự suy yếu về cầu trong nước và thế giới yếu. Chính vì vậy, dù ngành Ngân hàng đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay, nhưng Tổng công ty May 10 không có nhu cầu vay vốn. Thậm chí, nhiều ngân hàng săn đón mời vay nhưng doanh nghiệp chưa mặn mà. "Khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng", ông Thân Đức Việt cho biết.
Khi khách hàng không có nhu cầu vay ngân hàng cũng sẽ rơi vào tình trạng chung của doanh nghiệp khác là "tồn kho" vốn. Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam đánh giá, đứng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các TCTD cũng không kém phần sốt ruột bởi họ phải huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, nên việc không cho vay được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập.
Hơn nữa, cho tới nay, lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động huy động vốn và cho vay, nên tín dụng tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc quy mô nguồn thu nhập chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì lẽ đó, hơn ai hết, các TCTD đều đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng, đưa vốn tín dụng trở lại thị trường.
Có thể nói thời điểm này sẽ không có một “mô típ” chung nào cho tất cả các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng, dễ với doanh nghiệp này nhưng khó với doanh nghiệp khác tùy theo sức khỏe của từng doanh nghiệp. Bởi theo ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, các ngân hàng huy động vốn để cho vay phải gắn với câu chuyện thu hồi nợ. "Ngân hàng luôn cân nhắc khi đưa tiền ra, và câu hỏi đầu tiên là có thu hồi được về hay không?", ông Quang nhấn mạnh.
Để cung – cầu tín dụng gặp nhau, theo ông Quang phải nâng được chuẩn của người đi vay lên. Nhưng vấn đề này chỉ riêng ngành Ngân hàng không làm được. Để làm được điều này, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các Quỹ hỗ trợ DNNVV, liên quan đến các Quỹ bảo lãnh cho các khoản vay của DNNVV. "Từ các giải pháp trên "đệm của đôi giày" của các DNNVV được nâng lên đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Bênh cạnh đó chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác có thể hỗ trợ thúc đẩy các DNNVV khơi thông được thị trường, đặc biệt là khơi thông các thị trường xuất khẩu mới. Khi các doanh nghiệp trong nước có thêm đơn hàng và có cơ hội tiếp tục vay vốn ngân hàng", ông Quang nêu quan điểm.
Đặc biệt, để đến được điểm chung, ngân hàng - doanh nghiệp phải có sự phối hợp, hợp tác, tăng niềm tin, chữ tín với nhau. Đó là chìa khoá quan trọng để giải quyết bài toán tăng tín dụng. Mối quan hệ gắn bó, chia sẻ, “cộng sinh” phải từ chính NHTM và doanh nghiệp chứ không ai có thể làm thay được. "Trong lúc này, ngân hàng và doanh nghiệp phải đặt mình vào hoàn cảnh của nhau để cùng chia sẻ. Phải có niềm tin, phải có chữ tín với nhau", lãnh đạo NHNN nêu quan điểm.