Tìm giải pháp để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế TP.HCM đã là trung tâm tài chính (TTTC) của cả nước dù chưa được định hình bài bản.
Thấy rõ nhất là những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm… Thế nhưng ở tầm quốc tế thì cần phải tính toán chuyển đổi để hoàn thiện hơn. Vì vậy, TP.HCM cần có chính sách đủ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường, phải chứng tỏ cho nhà đầu tư thấy được cơ hội sinh lợi và cuối cùng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Muốn đáp ứng vấn đề này, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, thuận tiện trong giao dịch, đặc biệt là có chính sách thuế tiệm cận với chính sách thuế của các Trung tâm Tài chính trong khu vực và thế giới đang áp dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM), cho biết thành phố đã trình đề án với 6 nội dung cơ bản lên Chính phủ và đang chờ phê duyệt để triển khai.
Một trong những nội dung đó là, xác định trụ cột quan trọng của trung tâm tài chính, đối chiếu với thực trạng hiện nay; xác định rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố cùng những kiến nghị cơ chế, chính sách đột phá và đặc thù, có những cơ chế thử nghiệm thí điểm.
"Đề án cũng xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa việc xây dựng trung tâm này. Đến nay, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia về đề án này và phân công công việc cụ thể cho các bộ, ban, ngành", ông Hòa nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều sự cố và đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có trung tâm tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Việc thu hút vốn này không phải TP.HCM, không phải HFIC mà là những định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng… đứng ra huy động vốn.
“Tuy nhiên, nếu TP.HCM không được Trung ương cấp cho các cơ chế đặc thù thì khó mà hình thành Trung tâm tài chính”, Tiến sĩ Hiển nhấn mạnh.
“Chúng tôi hy vọng, qua buổi tọa đàm “Giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM” hôm nay, sẽ có thêm những ý tưởng, giải pháp mang tính thực tiễn để đóng góp cho thành phố trong việc sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, từ đó tạo đà - đòn bẩy cho TP.HCM phát triển tương xứng với vai trò, vị thế đầu tàu của mình", ông Phạm Văn Trường - Phó Tổng Biên Tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết.
Tại Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành cuối năm 2022, Bộ Chính trị nêu rõ tập trung xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM. Để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết số 31-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu, cần ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP. HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế. |