Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế
Tham dự cuộc họp có Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, các đồng chí Phó Thống đốc; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, NHTM, Hiệp hội doanh nghiệp... Đây là cuộc họp được kỳ vọng tìm ra giải pháp thiết thực nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố bất định, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, song tăng trưởng kinh tế đất nước thời gian qua đã tốt dần lên, dù vẫn chưa được như mong muốn, kỳ vọng. Hiện tình hình thế giới, trong nước có thuận lợi và khó khăn đan xen. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn trăn trở, tìm tòi để có những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả lạm phát.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung, có căn cứ dẫn chứng cụ thể, đề xuất các giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Nhất là các giải pháp liên quan đến lãi suất; thủ tục, điều kiện tiếp cận tín dụng; tình hình triển khai thực hiện các gói hỗ trợ đặc thù; các giải pháp mang tính hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương… Qua đó góp phần thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Ông ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các NHTM cũng đang "tồn kho" tiền. "Dù NHNN cùng với toàn hệ thống TCTD liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy mạnh kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, cà phê; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!", Phó Thống đốc bày tỏ.
Theo NHNN, những năm gần đây, doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế khá lớn. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề, khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng, dẫn tới tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020. Mặc dù có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022, nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các TCTD. |
Báo cáo cụ thể về tình hình tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, NHNN khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Theo NHNN, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như, do sức cầu của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng... còn yếu; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản… Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng như gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất... cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo NHNN khẳng định, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để TCTD có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Theo đó, để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; Thứ hai, nhóm giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; Thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; Thứ tư, nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò ngành Ngân hàng trong giai đoạn kinh tế khó khăn đã có không ít nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế bằng nhiều giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu nợ. Mới đây, các nhà băng còn đẩy mạnh hoạt động cho vay để trả nợ ở ngân hàng khác. Điều này sẽ giúp giải quyết nhiều điểm nghẽn, qua đó giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn. Tuy nhiên, để thúc đẩy tín dụng, tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, một chuyên gia cho rằng, cần thêm trợ lực chính sách khác như các giải pháp về tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như đẩy nhanh hoàn thuế VAT; triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế... "Nếu không triển khai đồng bộ các giải pháp mà chỉ để ngân hàng đơn thương độc mã giải quyết điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế thì chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề ra", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.