Tìm sự cân bằng cho chính sách tiền tệ và tài khóa
PGS. TS. Hoàng Xuân Quế |
Dù chịu nhiều áp lực nhưng chỉ số CPI vẫn được kiểm soát ở mức 3,15%, đảm bảo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm và thấp hơn nhiều chỉ số lạm phát của các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP đạt mức 8,02% - cao nhất 12 năm qua. Tỷ giá ổn định, đồng Việt Nam được củng cố sức mua và vị thế trên thị trường. Có được những thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và sự kết hợp hài hòa giữa CSTT và chính sách tài khóa (CSTK).
Nhờ sự phối hợp khá tốt giữa CSTT và CSTK đã góp phần tăng tính linh hoạt, khắc phục độ trễ của chính sách, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô và ổn định tài chính quốc gia, vừa tạo dư địa mở rộng chính sách trong trung hạn.
Bên cạnh đó, việc tăng vay nợ trong nước với kỳ hạn dài, chi phí rẻ cũng đã góp phần giảm phụ thuộc vào vốn nước ngoài, giảm áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước; Thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức thấp hơn so với hầu hết các quốc gia mới nổi ở châu Á. Điều này tạo dư địa cho mở rộng CSTT và CSTK trong trung hạn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi bền vững hơn.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa CSTT và CSTK vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Đơn cử như việc kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn còn thiếu sự chủ động, ăn ý trong điều hành, nên tính minh bạch và an toàn của thị trường TPDN trong năm 2022 còn bộc lộ nhiều bất cập. Giá trị TPDN đến hạn thanh toán trong thời gian tới đang gây sức ép lên thị trường tài chính.
Cần đẩy mạnh tiến độ đầu tư công để tạo tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác |
Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2023 và những năm tiếp theo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành CSTT trong sự phối hợp chặt chẽ với CSTK, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới, bài viết xin có một số khuyến nghị sau:
Một là, NHNN cần chủ động, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích rõ những rủi ro lạm phát của Việt Nam, cũng như của các nền kinh tế lớn kéo theo đó là xu hướng chính sách của các nền kinh tế này.
Đặc biệt, cần chú ý đến thuật ngữ "Lạm phát kèm suy thoái" được đề cập thường xuyên bởi các chuyên gia tài chính, các nhà điều hành CSTT của nhiều NHTW trên thế giới khi căng thẳng ngày càng leo thang trên mặt trận kinh tế giữa các nước phương Tây và Nga. Từ kinh nghiệm đó, NHNN cần phân tích nghiên cứu, tính toán dưới nhiều góc độ trong điều kiện của Việt Nam, với độ mở kinh tế hơn 200% GDP, để có biện pháp cụ thể tránh khỏi rủi ro này trong cả ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn.
Hai là, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, NHNN cần tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm, nếu không ít nhất cũng phải đạt mức bằng hay cao hơn định hướng năm 2022 là 16%.
Về điều hành CSTK, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên đặc biệt đối với các dự án về giao thông. Vốn đầu tư công các bộ, ngành, các địa phương xin trả lại hay giải ngân không hết nên chủ động bố trí cho các dự án giao thông, ưu tiên các dự án đường cao tốc. Chính phủ, Bộ Giao thông- Vận tải giám sát, đôn đốc mạnh mẽ tiến độ các dự án lĩnh vực này, quan tâm lớn nhất là dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam
Ba là, để góp phần thực hiện có hiệu quả CSTT trong sự phối hợp với CSTK, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đánh giá khách quan các tổ chức có chức năng hỗ trợ tài chính cho DNNVV hiện nay, đặc biệt là các tổ chức do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Đánh giá về quy mô vốn đã hỗ trợ, mức độ tác động, chi phí hoạt động của bộ máy, trên cơ sở đó có biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả các tổ chức này, tránh phân tán và lãng phí nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bốn là, NHNN cần đi sâu phân tích khoa học về thực tiễn nền kinh tế Việt Nam để có giải pháp linh hoạt và phù hợp nhất.
Đồng thời, khẩn trương đề xuất với Chính phủ sửa đổi quy định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tiếp tục triển khai, đồng thời rà soát, đánh giá lại chính sách này để có phương án phù hợp.
Năm là, để sự kết hợp hiệu quả giữa CSTT với CSTK một cách linh hoạt, đồng bộ cần phải: (i) xác định mục tiêu rõ ràng và thống nhất trong quá trình phối hợp CSTK và CSTT là tăng trưởng ổn định và lạm phát vừa phải. Theo đó, điều hành CSTT theo hướng linh hoạt thận trọng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Điều hành CSTK theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa đảm bảo ổn định tài chính quốc gia; (ii) NHNN cần tăng cường cho vay tái cấp vốn, phối hợp với Bộ Tài chính về phương án tăng vốn cho các tổ chức tín dụng để họ có thêm nguồn lực, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi; (iii) Phối hợp CSTT và CSTK trong kiểm soát lạm phát và rủi ro hệ thống tài chính (rủi ro lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm); (iv) Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, hệ thống chia sẻ thông tin phục vụ hiệu quả phối hợp chính sách từ hoạch định đến khâu thực thi, tiến tới liên thông, thực hiện khung “Lập trình tài chính quốc gia” để có thể nhanh chóng đánh giá tác động chính sách…
Ngoài ra, để đảm bảo sự phối hợp tốt trong việc điều hành kết hợp CSTT với CSTK, thông thường phải thiết lập chương trình tài chính quốc gia, gồm các giải pháp vĩ mô đồng bộ, để thực hiện một kế hoạch định lượng về các chỉ tiêu vĩ mô. Trong đó, CSTT và CSTK có sự phối hợp với nhau từ khâu lên kế hoạch đến thực hiện, đưa ra mức bù đắp thâm hụt ngân sách hợp lý từ hệ thống ngân hàng. Giữa NHNN và Bộ Tài chính, cũng cần thiết có sự phối hợp trong phát triển thị trường trái phiếu mà vai trò của NHNN ở thị trường này rất quan trọng, góp phần làm tăng tính thanh khoản của thị trường.
Có thể nói, ở Việt Nam, sự phối hợp giữa CSTT và CSTK đã được duy trì và đảm bảo trong nhiều năm qua. Các nghiên cứu lý luận và thực tiễn cũng đều cho thấy vai trò của sự phối hợp giữa hai chính sách này là cần thiết trong ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù sự phối hợp được thực hiện theo các định hướng khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và bối cảnh kinh tế của từng quốc gia trong từng thời kỳ.
Trong 3 năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam bị tác động bởi nhiều diễn biến bất thường trên thế giới. Nổi bật nhất đó là đại dịch Covid-19, xung đột quân sự tại Ukraine, lạm phát toàn cầu tăng cao, lãi suất của hơn 100 NHTW các nước trên thế giới điều chỉnh tăng nhiều lần. Mặc dù bị tác động lớn như vậy nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong khu vực, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế được duy trì, lạm phát được kiểm soát tốt. |