Tín dụng chính sách: Tạo nền tảng trong xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 với sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội gia tăng cả chất và lượng. Đây là những nền tảng quan trọng để Hưng Yên từng bước hoàn thiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng nhấn mạnh tại Hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Khi các cấp cùng quan tâm dẫn vốn tới người nghèo
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội Phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng từ đó nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện bình đẳng giới tốt hơn. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách có vai trò quan trọng để thực hiện nhiệm vụ trên.
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên Quách Thị Hương, thực hiện Chỉ thị số 40, Hội Phụ nữ đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và Hội LHPN cơ sở trong toàn tỉnh hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; cơ sở rà soát, đánh giá, lập danh sách phụ nữ thuộc hộ nghèo; tổ chức đăng ký thoát nghèo tại các Chi hội để tập trung tư vấn các nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu và năng lực các hộ. Tính đến hết ngày 30/6/2019, dư nợ tín dụng của hội đạt hơn 1.396 tỷ đồng, cho 40.609 hội viên vay, tăng 57% so với năm 2014; 100% thành viên vay vốn tham gia tiết kiệm với số tiền là gần 59 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để giúp hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp tổ chức trên 2.000 lớp chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông sản sau thu hoạch... cho trên 145 nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Cùng với sự sát sao trong việc quản lý sử dụng vốn, từ năm 2014 đến nay đã có 5.283 phụ nữ vay vốn thoát nghèo, có 99,6% hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả.
Việc triển khai thực hiện Chi thị số 40 ở địa phương cụ thể như Thị xã Mỹ Hào cũng được Đảng bộ, chính quyền thị xã đặc biệt quan tâm đến biện pháp dẫn vốn tới người nghèo còn gặp khó khăn trong sản xuất.
Theo Bí thư Thị ủy Mỹ Hào Vương Văn Đức, từ năm 2016 UBND thị xã Mỹ Hào đã quyết định hằng năm dành tối tiểu 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách thị xã để chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã; hỗ trợ NHCSXH trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và đẩy mạnh nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho vay qua NHCSXH...). Đến 30/6/2019 UBND thị xã chuyển ngân sách thị xã số tiền 2,2 tỷ đồng sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, nguồn vốn ủy thác chuyển sang NHCSXH ở Mỹ Hào không chỉ từ ngân sách cấp thị xã mà còn có sự tham gia của 12/13 xã, phường với số tiền là 675 triệu đồng, từ nay đến cuối năm nguồn vốn này có thể tăng gấp đôi theo kế hoạch.
Thực hiện Chỉ thị số 40, tính đến 30/6/2019, NHCSXH thị xã Mỹ Hào đã và đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ đạt đạt gần 263 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 50% so với 31/12/2014, trong đó nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt 7,3 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng nguồn vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 8.385 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế; tạo việc làm cho 825 lao động; góp phần xây dựng 5.347 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 321 hộ nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở; 507 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện cho con tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Những yếu tố nền tảng này góp phần đưa huyện Mỹ Hào đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và nâng cấp thành thị xã Mỹ Hào cùng đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba.
Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được NHCSXH biểu dương, khen thưởng |
Phát huy sức mạnh tập thể để làm tốt hơn công tác tín dụng chính sách
Với quan điểm nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội giờ không chỉ đặt trên vai Chính phủ mà đã có sự chủ động gánh vác của tỉnh, các cấp huyện, đặc biệt là các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã. Vì vậy, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tại Hưng Yên nguồn vốn ủy thác địa phương tăng gần 42 tỷ đồng (tăng 150%), nâng tổng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương, vốn của các tổ chức hội, đoàn thể đến ngày 30/6/2019 đạt 69 tỷ đồng. Chính quyền các cấp, các ngành đã quan tâm hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Nguồn vốn ủy thác trên đã bổ sung thêm nguồn để NHCSXH Hưng Yên triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng doanh số cho vay đạt 4.043 tỷ đồng, với 185.066 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tín dụng chính sách cũng giúp cho hơn 41 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết hơn 10 nghìn lao động có việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và 220 lao động được vay vốn đi lao động nước ngoài để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; 834 hộ nghèo và 197 hộ có thu nhập thấp được xây dựng nhà ở kiên cố; gần 36 nghìn HSSV con em gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Tuy nhiên, các cấp ngành của tỉnh Hưng Yên luôn ý thức con đường giảm nghèo bền vững của Hưng Yên không dễ dàng. Dù năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,55% tương ứng với 9.953 hộ, nhưng số hộ nghèo phát sinh tương đối lớn so với tổng số hộ thoát nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao nên nhu cầu về vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và thoát nghèo bền vững ngày càng tăng.
Chính vì vậy, phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng chỉ đạo các cấp chính quyền và cơ quan, ban ngành Hưng Yên phải đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm góp phần trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, HĐND, UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo theo hướng năm sau cao hơn năm trước.
Đánh giá Hưng Yên là tỉnh có chất lượng tín dụng tốt nhất trên toàn quốc, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã ghi nhận những ý kiến đóng của các đại biểu và lãnh đạo tỉnh về việc nâng cao công tác phối hợp với các đơn vị trong tỉnh để gia tăng hiệu quả tín dụng chính sách trong sống. “NHCSXH sẽ xem xét cân đối nguồn vốn hàng năm cho tỉnh phù hợp để đảm bảo không có người nghèo, đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được”, Tổng giám đốc NHCSXH nhấn mạnh.
Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được tổ chức vào ngày 28/8/2019 |