Tín dụng tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng trưởng cuối năm
Cần nhiều giải pháp, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho DN trong thời gian tới |
Những nội dung trên được các chuyên gia, DN đề xuất tại hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Hà Nội tổ chức ngày 26/10.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2%. Tuy nhiên, cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận xu hướng tích cực sau nhiều tháng liên tiếp giảm.
Hiện nay, Việt Nam có trên 850 nghìn DN nhưng chủ yếu là DNNVV với quy mô vốn và lao động nhỏ bé. Quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nghệ cũng như các vướng về cơ chế chính sách đang hạn chế năng lực cạnh tranh của DN trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững
Thông tin về thị trường xuất khẩu thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Bộ Công Thương, cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của các DNNVV đạt tốc độ cao nhưng chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định.
Ông Hội cho rằng những rủi ro đó đến từ sự mất cân đối trong cán cân thương mại với các thị trường, mất cân đối về thị trường xuất khẩu, về cơ cấu DNNVV xuất khẩu cũng như cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của các DNNVV còn thấp và chậm được cải thiện, nhất là đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo. Hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu của các DNNVV chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cùng với đó, phát triển xuất khẩu của các DNNVV chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Điều này khiến cho nhiều sản phẩm xuất khẩu của các DNNVV đứng trước rủi ro không được chấp nhận thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Các DNNVV thiếu, yếu về các chiến lược và quản trị, không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng xuất nhập khẩu cho các DNNVV Việt Nam, theo ông Hội, cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của DNNVV trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Bảo đảm hài hòa các mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; Tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu; Khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thị trường của DNNVV cho từng sản phẩm, bảo đảm phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, DN còn gặp không ít những thách thức liên quan đến năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu, việc tìm kiếm thị trường.
Xây dựng chiến lược, chính sách về tín dụng sát với nhu cầu của DN
Ngoài những yếu tố trên, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc xây dựng các chiến lược, chính sách về tín dụng cần sát với nhu cầu của các DNNVV. Hiện nay, quá trình triển khai chiến lược, chính sách tín dụng còn bộc lộ một số vướng mắc cần tháo gỡ. DN có vốn đầu tư nước ngoài được vay ưu đãi nhiều từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tập đoàn mẹ với lãi suất thấp, trong khi lãi suất vay của các DNNVV Việt Nam cao nên bị thua ngay từ điểm khởi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Hiện nay các ngân hàng đều dành nhiều chính sách, cơ chế tiếp sức DN trong xuất nhập khẩu |
Để thúc đẩy tăng trưởng trong xuất nhập khẩu, các chuyên gia lưu ý các DN cần tăng cường quản trị chiến lược, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đảm bảo phát triển bền vững. DNNVV cần đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với sản phẩm xuất khẩu của mình.
Bên cạnh đó, các DNNVV cần nghiên cứu, đề xuất với các ngành chức năng tiếp tục đàm phán, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, xã hội và môi trường, ký kết các hiệp định công nhận lẫn nhau với các nước, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Về chính sách tài chính, tín dụng, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của các DNNVV.
Với nhiều chính sách cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, đại diện Ngân hàng VietinBank, cho biết với mục tiêu tiếp sức DN xuất nhập khẩu phục hồi sản xuất - đặc biệt là trong giai đoạn cao điểm cuối năm, VietinBank gia tăng thêm ưu đãi dành cho DN xuất nhập khẩu trong Chương trình Trade UP.
Cụ thể, DN xuất nhập khẩu lần đầu sử dụng sản phẩm mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại sẽ được nhận các ưu đãi về tỷ giá ngoại tệ, miễn/giảm phí dịch vụ và phí bảo hiểm hàng hóa vận chuyển; trong đó, VietinBank miễn giảm đến 100% nhiều loại phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu như: chuyển tiền ngoại tệ trong hệ thống, ký hậu vận đơn/phát hành ủy quyền nhận hàng, phát hành bảo lãnh nhận hàng...
Bên cạnh các sản phẩm tài trợ thương mại truyền thống, VietinBank còn đưa ra thị trường sản phẩm Tài trợ Thương mại cấu trúc nhằm tối ưu hóa hiệu quả các sản phẩm Tài trợ Thương mại truyền thống; đồng thời đáp ứng nhu cầu lợi ích của 2 bên doanh nghiệp mua và bán theo tiêu chí Win-Win như: sản phẩm thanh toán trước hạn L/C, sản phẩm Chiết khấu miễn truy đòi, sản phẩm Upas L/C…
Đối với sản phẩm kinh doanh ngoại hối, phái sinh hàng hóa, phái sinh lãi suất, VietinBank tư vấn và cung cấp trọn bộ sản phẩm từ cơ bản tới đặc thù, sản phẩm cấu trúc dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phù hợp với nhu cầu, hồ sơ giao dịch, dòng tiền và theo diễn biến, xu hướng tỷ giá cập nhật trên thị trường ngoại hối.
Gói ưu đãi VietinBank Trade Up được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp về lãi suất ưu đãi và phí giao dịch cạnh tranh cho đầy đủ các phân khúc khách hàng.
Trong đó, gói tín dụng 35.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng DN xuất nhập khẩu trọng tâm có doanh số thanh toán lớn tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 6,2%/năm đối với VND và chỉ từ 3,5% đối với USD.
Những DN xuất nhập khẩu có doanh số thanh toán từ 1 triệu USD/quý trở lên được giảm ngay 45% các khoản phí liên quan đến tài trợ thương mại và chuyển tiền ngoại tệ.
“Đặc biệt, VietinBank Trade Up còn dành tặng doanh nghiệp ưu đãi tỷ giá ngoại tệ hấp dẫn lên tới 170 điểm: Đối với các cặp đồng tiền USD/VND (tối thiểu 50 điểm), EUR/VND (tối thiểu 150 điểm) và JPY/VND (tối thiểu 100 điểm cơ bản, tương đương 1 điểm tỷ giá) và nhiều ưu đãi hơn nữa dành cho khách hàng thân thiết”, bà Ngọc cho hay.
Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu. Hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 4,0%/năm. Không chỉ giảm lãi suất các ngân hàng còn đưa ra nhiều gói tín dụng quy mô lớn dành cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có xuất nhập khẩu. |