Tín dụng xuất nhập khẩu kỳ vọng tăng
Ưu đãi tín dụng xuất nhập khẩu Tín dụng xuất nhập khẩu vào “mùa” cao điểm |
Thuận lợi đan xen với thách thức
Cụ thể, theo Công ty chứng khoán Agriseco, khi các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc phục hồi, giá thành hàng hóa sản xuất ra sẽ rẻ hơn. Các ngành hàng của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc (như: thức ăn chăn nuôi, cao su, chất dẻo, dệt may, phân bón…) sẽ có cơ hội tiết giảm chi phí nhập nguyên liệu, hỗ trợ chi phí đầu vào.
Ở phía xuất khẩu, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc hướng vào nới lỏng lãi suất cho các khoản vay trung hạn và giảm lãi vay đối với người mua nhà. Khi có hiệu ứng lan tỏa sẽ khiến ngành xây dựng phục hồi và kéo giá thép toàn cầu tăng lên. Giá xuất khẩu thép của các doanh nghiệp Việt Nam theo đó sẽ được kỳ vọng tăng trở lại và giảm bớt áp lực hạ giá bán như thời gian qua.
Đối với các ngành hàng có lợi thế xuất siêu như cao su, thủy sản… việc sức cầu từ thị trường Trung Quốc tăng lên sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu cao su (cho công nghiệp ô tô) và tiêu dùng các mặt hàng thủy sản tăng theo. Từ đó tác động tích cực đến giá xuất khẩu và lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt, nhất là dịp kinh doanh các kỳ lễ tết cuối năm sắp tới.
Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, theo TS. Võ Đình Trí - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, việc PBoC áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ có thể sẽ khiến đồng Nhân dân tệ của nước này giảm giá. Việc này mặc dù có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu do mua được nguyên liệu rẻ hơn nhưng rất dễ dẫn đến nhập siêu ở một số ngành hàng.
“Chưa kể, khi đồng Nhân dân tệ giảm giá khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ đắt đỏ hơn. Doanh nghiệp Việt sẽ khó cạnh tranh với hàng nội địa của Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ gặp một số rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá”, ông Trí nhận định.
Cơ hội mở rộng sản phẩm dịch vụ ngân hàng
Đối với lĩnh vực ngân hàng, theo nhận định của giới phân tích, tác động chính của việc Trung Quốc triển khai chính sách hỗ trợ nền kinh tế sẽ tập trung vào các khía cạnh tăng trưởng cho vay xuất nhập khẩu, mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính và hỗ trợ quản lý rủi ro tỷ giá, tài trợ thương mại.
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong các quý đầu năm vừa qua, động lực tăng trưởng chính của đa số các ngân hàng thương mại đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, tín dụng cho sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu và các lĩnh vực ưu tiên ở nhiều ngân hàng chiếm tỷ trọng cao.
“Vì thế, các tháng tới, xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc sẽ giúp các nhà băng mở rộng tài trợ vốn và tăng tích cực nguồn thu từ phí với động lực từ hoạt động thanh toán, thẻ, tài trợ thương mại”, báo cáo của VCBS nhận định.
Đồng quan điểm, các chuyên gia tại Shinhan Securities cho rằng, các quý đầu năm vừa qua hệ thống ngân hàng tập trung tăng trưởng mạnh đối với các khoản cho vay kỳ hạn ngắn. Cơ cấu cho vay ngắn hạn tăng từ 52% (cuối 2023) lên mức 57% vào cuối quý II/2024 cho thấy tài trợ vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu đang chiếm tỷ trọng lớn và có động lực tăng trưởng.
Những nhận định này cũng được nhiều NHTM trong nước chia sẻ. Theo đó, trong khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong quý IV vừa được Vụ Dự báo thống kê (NHNN) công bố mới đây, đa số các ngân hàng cho rằng trong quý cuối năm nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn so với quý III/2024, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong quý cuối năm 83,6% doanh nghiệp trong nước dự báo đơn hàng sẽ tăng và giữ nguyên so với quý III. Mặc dù vẫn có khoảng 21,7% doanh nghiệp vẫn lo ngại về lãi suất vay vốn và tiếp cận các khoản vay ưu đãi. Tuy nhiên, về cơ bản lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu hiện đang được các ngân hàng tập trung cho vay với các chương trình tín dụng lớn như gói tín dụng 60.000 tỷ đồng (cho vay ưu đãi lĩnh vực lâm sản, thủy sản) và hàng chục gói tín dụng quy mô từ 1.000 – 20.000 tỷ đồng (hỗ trợ vốn các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DNNVV, doanh nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo...).
Vì thế có thể nhận định, các tháng cuối năm cùng với khởi sắc của thị trường sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn sẽ chiếm tỷ trọng cao trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu vốn và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các diễn biến có lợi từ thị trường.