Tín dụng xuất nhập khẩu vào “mùa” cao điểm
Miền Trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu [Infographic] Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 |
Nhu cầu vay đang tăng
Theo một số doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam, vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, nhiều ngành hàng sản xuất, chế biến xuất khẩu sẽ vào mùa cao điểm thu mua nguyên liệu để chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu vào dịp cuối năm, nhất là dịp lễ Noel và Tết Dương lịch.
Đại diện Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện giá nguyên liệu các loại thủy sản chính như tôm, cá tra, cá basa đang ở mức khá cao, nguồn cung trong nước cũng khá hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu thu mua nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp đang tăng. Chẳng hạn, đối với cá tra, hiện mức thuế chống bán phá giá (POR 19) đang thấp; lượng hàng tồn kho giảm cũng khiến các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, EU tăng mua để chuẩn bị cho các kỳ lễ, tết.
Vasep dự báo, trong các tháng tới, giá xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chính sẽ cải thiện. Giá nguyên liệu cao và nguồn cung hạn chế cũng sẽ giúp duy trì giá xuất khẩu này. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang rất cần bổ sung nguồn vốn lưu động để thu mua nguyên liệu. Vì thế, thời điểm này, khi tỷ giá có xu hướng ổn định, nhu cầu vay vốn (cả ngoại tệ và nội tệ) của các doanh nghiệp sẽ tăng trở lại.
Bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Vasep cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ được các ngân hàng duy trì ở mức 6-7%/năm đối với vay ngắn hạn bằng VND và khoảng dưới 4%/năm đối với vay USD. Mức lãi suất này, theo quan sát từ cuối tháng 6/2024 đến nay, đã được khá nhiều ngân hàng áp dụng đối với các doanh nghiệp có tài sản thế chấp và có tài chính tốt.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Nhật (Cần Thơ) cho biết, doanh nghiệp này tiếp cận các khoản vay tại Vietcombank và VietinBank chi nhánh Cần Thơ với mức lãi suất quanh ngưỡng 5%/năm. “Mức này đã thấp hơn năm ngoái khoảng 1-1,5%/năm và vừa sức chịu đựng của doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp kỳ vọng mặt bằng lãi suất vay thấp tiếp tục được các ngân hàng duy trì trong dài hạn”, ông Nhựt nói.
Tương tự, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Câu lạc bộ các Doanh nghiệp ngành thép TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặt bằng lãi suất vay 6-7%/năm như hiện nay được nhiều ngân hàng áp dụng. Và quan trọng hơn là việc kéo dài chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã giúp các doanh nghiệp không bị nhảy nhóm nợ và có thể tiếp cận các khoản vay lãi suất ưu đãi theo mùa vụ.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có nhiều cơ hội tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi |
Ngân hàng “tung” ưu đãi
Theo ghi nhận trên thị trường, từ cuối quý II/2024 đến nay, tốc độ tăng trưởng cho vay phục vụ sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu của hệ thống ngân hàng tại các địa phương đang tăng trưởng khá tích cực.
Tại TP. Hồ Chí Minh, trên 80% nguồn vốn cho vay của hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm nay được các tổ chức tín dụng đổ vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Trong đó, cho vay xuất khẩu và cho vay các doanh nghiệp tại khu công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với các lĩnh vực khác.
Tương tự, tại Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu cũng đều có mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn, đến cuối tháng 7, dư nợ cho vay xuất khẩu tại Cần Thơ tăng trưởng 12,22% (đạt khoảng 18.500 tỷ đồng). Dư nợ cho vay đối với xuất khẩu tại Đồng Nai đạt khoảng 26.600 tỷ đồng. Nếu tính cả cho vay các doanh nghiệp nhập khẩu, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Đồng Nai đạt mức khoảng 48.200 tỷ đồng.
Hệ thống các NHTM cũng rất chủ động trong việc mở rộng hạn mức và tung ra các gói vay mới phục vụ nhóm doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Đơn cử như Agribank, hiện nay hầu hết các chi nhánh của ngân hàng này đều đang triển khai mạnh mẽ gói tín dụng 20.000 tỷ đồng “đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu” với mức lãi suất cho vay thấp hơn 2,4%/năm đối với các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn và miễn giảm tất cả các loại phí dịch vụ đến giữa năm 2025.
Các NHTM khác như VietinBank, NamABank, OCB, Eximbank, VPBank, PVcomBank, VRB… cũng tung ra nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, OCB đưa ra gói vay dành riêng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với mức lãi suất cố định từ 5,5-6%/năm (kỳ hạn 3 - 6 tháng); NamABank dành riêng gói tín dụng 20 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng) cho vay bổ sung vốn sản xuất, thu mua chế biến nguyên liệu. Lãi suất cho vay USD quy đổi ở mức rất thấp (tối thiểu 2%/năm đối với khoản vay dưới 2 tháng và 3,5%/năm đối với khoản vay 2-5,5 tháng)…
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh doanh nghiệp nhiều ngành hàng cần bổ sung vốn lưu động như hiện nay, mặt bằng lãi vay thấp đang tạo điều kiện khá thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn mùa cao điểm. Các chuyên gia nhận định rằng, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp đến hết năm 2024 và kéo dài sang các quý đầu 2025 là có thể thực hiện được bởi hiện nay có nhiều yếu tố hỗ trợ, nhất là thời gian qua, ngành Ngân hàng đã khá thành công trong việc giữ ổn định tỷ giá.
“Đến nay, áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể. Việc tỷ giá ổn định sẽ giúp thu hút thêm dòng vốn FDI trong các tháng cuối năm, đồng thời hỗ trợ các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất thấp và thúc đẩy tín dụng cho sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết nhận định.