Tín hiệu lạc quan với sầu riêng Việt Nam
Trái sầu riêng Việt đứng trước cơ hội và thách thức Đắk Lắk công bố nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar |
Chuẩn bị điều kiện cần cho xuất khẩu bền vững
Hiện sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người nông dân. Vậy nên, diện tích, sản lượng ngày càng tăng, thậm chí còn được trồng xen canh và bước đầu đã hình thành được một số vùng trồng quy mô lớn phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, với lợi thế về vùng trồng và sản lượng thu hoạch, Hiệp hội đề xuất UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho địa phương thực hiện kiểm dịch thực vật và khai báo hải quan tại địa phương nhằm xuất khẩu trực tiếp sầu riêng từ Đắk Lắk sang thị trường Trung Quốc, thay vì phải chở sầu riêng ra và làm các thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu như hiện nay.
Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch và xuất khẩu sầu riêng 2023, UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đã tổ chức lễ công bố nhãn hiệu "Sầu riêng Cư M’gar". Hiện huyện có trên 4.500ha sầu riêng. Trong đó, địa phương quy hoạch vùng trồng tập trung tại xã Ea Tar và các xã lân cận, với diện tích trên 1.000ha.
Đến nay, Cư M’gar có 13 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng hoàn thiện hồ sơ 37 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích trên 831ha. Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, Cư M’gar có hơn 1.000ha kinh doanh, sản lượng ước khoảng trên 20.000 tấn.
Để thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk khẳng định được vị trí trên thị trường, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá |
Để bảo đảm quyền lợi và tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn, UBND huyện Cư M’gar đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Cư M’gar” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận theo Quyết định số 5327, ngày 10/7/2023.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để thương hiệu sầu riêng Cư M’gar nói riêng và Đắk Lắk nói chung khẳng định được vị trí trên thị trường, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để doanh nghiệp và người dân biết. Từ đó, tham gia tích cực vào xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như đơn vị xuất khẩu cần phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu về kiểm dịch thực vật và đảm bảo đáp ứng về chất lượng sản phẩm theo hợp đồng ký kết với phía đối tác nhập khẩu.
Những tín hiệu vui
Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đi hơn 20 thị trường, chất lượng sầu riêng Việt được người tiêu dùng đánh giá cao và giá cả phù hợp nên có sức cạnh tranh khá tốt. Trong đó, Trung Quốc là thị trường có nhiều tiềm năng và ngày càng ưa chuộng sầu riêng Việt. Việc được xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia này là thành công lớn của ngành hàng sầu riêng Việt Nam nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Đây vừa là thời cơ, nhưng cũng chính là thách thức đối với các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nông dân. Muốn xuất khẩu trái sầu riêng bền vững, cần xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất để các bước thiết lập vùng trồng; các khâu từ sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại… cần được thực hiện thông suốt, đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng mang về trên 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022 (420 triệu USD).
Từ nay đến cuối năm, sầu riêng tiếp tục có lợi thế lớn về xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm ở Trung Quốc, thị trường nhập trên 90% sầu riêng Việt Nam, tăng cao.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho hay, tháng 9 là thời điểm vùng sầu riêng lớn nhất nước khi vùng sầu riêng tại Tây Nguyên vào vụ thu hoạch rộ. Trong khi đó, sầu riêng các nước khác đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế hoặc chỉ còn sản phẩm đông lạnh. Chính vì vậy, sầu riêng tươi của Việt Nam càng có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Hiện nay, các vựa thu mua sầu riêng tại Tây Nguyên phát giá từ 93.000 - 96.000 đồng/kg sầu riêng loại 1; 78.000 - 82.000 đồng/sầu riêng loại 2. Các loại chất lượng thấp nhất cũng có giá gần 50.000 đồng/kg. Điều đó cho thấy, sầu riêng Việt Nam đang đứng trước những thuận lợi.
Tuy nhiên, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk khuyến cáo, để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, thành viên là người nông dân và hợp tác xã khi ký các hợp đồng thương mại cần kiểm tra, đánh giá kỹ năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu; chất lượng các cơ sở đóng gói…