Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Petrolimex thoái vốn đúng chỉ đạo
Ngày 25/9, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng, phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác, cho biết buổi làm việc nhằm kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, Tập đoàn đã được Chính phủ, Thủ tướng giao 9 nhiệm vụ, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành, cần giải trình làm rõ.
Cùng với đó, buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, ghi nhận và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của Tập đoàn.
Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo, làm rõ về một số vấn đề và có giải pháp xử lý, trước hết là việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng trong thúc đẩy tiêu thụ xăng E5; giải quyết các khúc mắc, hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước.
Một nội dung khác là ngày 16/7 vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm, thiếu sót trong việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Tổng Công ty hóa dầu Petrolimex thuộc Petrolimex.
Đáng lưu ý, “hiện nay thương hiệu Petrolimex vẫn tiếp tục bị xâm phạm nghiêm trọng”, Tổ phó Tổ công tác Nguyễn Cao Lục nêu rõ. Cụ thể, rất nhiều cửa hàng xăng dầu không thuộc hệ thống Petrolimex nhưng vẫn tự ý sử dụng các nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ.
Dự kiến nộp ngân sách gần 45 nghìn tỷ đồng
Theo ông Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, năm 2017, tổng doanh thu của Tập đoàn là hơn 153 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.784 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38 nghìn tỷ. Tám tháng đầu năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 3.430 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 29 nghìn tỷ đồng.
Sau khi giải trình về các nhiệm vụ chưa hoàn thành, ông Phạm Văn Thanh cũng cho biết trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều giải pháp như bám sát diễn biến giá dầu thế giới để cân đối linh hoạt nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu; quản lý chặt chẽ chất lượng xăng dầu.
Tập đoàn sẽ xây dựng lộ trình đầu tư và áp dụng các giải pháp tự động hóa, trước hết là khâu giao nhận để nâng cao năng suất lao động và ngăn ngừa tiêu cực, tăng mức độ an toàn. “Xác định nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối trong sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu, không ngừng tăng cường công tác kiểm tra giám sát về phòng cháy chữa cháy”, ông Thanh nhấn mạnh.
Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, ông Thanh cho biết đến nay Petrolimex đã hoàn tất việc hình thành 6 Tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty cổ phần. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc PGBank và các lĩnh vực Petrolimex không cần giữ cổ phần chi phối.
Về thoái vốn nhà nước tại Công ty mẹ, ngày 4/7 vừa qua, Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn. Tập đoàn đề nghị cấp có thẩm quyền đồng ý nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49%, đồng thời chậm thoái vốn đến 2019-2020, thay vì 2018 như kế hoạch.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Ngọc Năm cho biết thêm, tỷ lệ tiêu thụ xăng sinh học của Tập đoàn bình quân 8 tháng qua đạt 47%, trong khi trung bình cả nước là 40%. Hiện năng lực phối trộn xăng E5 của Tập đoàn là 8 triệu tấn mỗi năm, trong khi toàn bộ nhu cầu xăng dầu cả nước khoảng 18 triệu tấn. Ông Năm khẳng định năng lực phối trộn này có thể đáp ứng bất kỳ biến động nào; đồng thời Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp khác nếu có nhu cầu.
Tập đoàn cũng đã rất nỗ lực trong công tác bảo vệ thương hiệu, hình thành hệ thống các ban chỉ đạo về công tác này và sẽ tăng cường hơn nữa nhằm giữ gìn uy tín của Petrolimex.
Tập đoàn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các khó khăn vướng mắc như việc di dời kho cảng B12 tại Quảng Ninh, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5-RON92, thuế bảo vệ môi trường với xăng sinh học và xăng dầu đạt tiêu chuẩn khí thải...
“Trong năm nay, chúng tôi khẳng định sẽ hoàn thành các chỉ tiêu và nhiều chỉ tiêu sẽ hoàn thành vượt mức, sản lượng, lợi nhuận sẽ đạt tốt, nộp ngân sách gần 45 nghìn tỷ so với 31 nghìn tỷ kế hoạch”, ông Trần Ngọc Năm nói.
Lãnh đạo Tổng công ty Hóa dầu cũng khẳng định đã triển khai xử lý nghiêm túc kết luận thanh tra liên quan đến sai phạm, thiếu sót trong việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động.
Sẽ báo cáo Chính phủ các kiến nghị
Phát biểu tại buổi kiểm tra, nhiều ý kiến đề cập các kiến nghị của Tập đoàn, nhất là liên quan tới công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hiện đang có vướng mắc trong việc vừa yêu cầu thoái vốn, tức là phải thu hút các nhà đầu tư ngoài nhà nước, nhưng đồng thời cũng yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh và như thế có thể khiến nhà đầu tư lưỡng lự. “Tôi cho rằng khi đã cổ phần hóa, nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần, thậm chí thấp hơn, thì việc kinh doanh ngành nghề gì nên để các cổ đông quyết định”, ông Khánh phát biểu.
Trong khi đó, đại diện Vụ chức năng của VPCP nêu rõ, hiện chưa có quyết định nào thay thế các quyết định của Thủ tướng liên quan tới việc thoái vốn tại Petrolimex, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có công văn đôn đốc. Do đó, đề nghị Tập đoàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng, trường hợp cần điều chỉnh thì Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục đánh giá cao những nỗ lực của Petrolimex. Tại thời điểm chuyển từ công ty nhà nước sang công ty cổ phần năm 2011, giá trị vốn hóa của Tập đoàn khoảng trên 16 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay đã lên tới khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6 lần.
Tập đoàn cũng đóng vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường khi chiếm tới 48% thị phần xăng dầu cả nước. Cùng với đó là các số liệu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách. “Đây là những con số biết nói”, Phó Chủ nhiệm đánh giá.
Tổ công tác đề nghị thời gian tới, trong công tác đầu tư, Tập đoàn cần bảo đảm đúng định hướng, bảo đảm phát triển bền vững, cân nhắc phân bổ nguồn lực tránh dàn trải. “Thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”, Tổ phó Tổ công tác nêu rõ.
Cùng với đó, các ý kiến thành viên Tổ công tác cũng đề nghị Tập đoàn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực điều hành, cải cách hành chính, giảm chi phí. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra. Thực hiện hiệu quả việc phối hợp với các doanh nghiệp khác như với PVN, EVN. Làm tốt công tác giữ gìn thương hiệu và chống gian lận thương mại.
“Rất đáng mừng, tỷ lệ chung tiêu thụ xăng sinh học trước đây chưa đến 10%, nay Tập đoàn đã lên tới 47% là một kết quả đậm nét, Tập đoàn đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Nhưng liệu có giảm được giá xăng sinh học được nữa không, đề nghị các đồng chí quan tâm hơn”, Tổ phó Tổ công tác gợi mở.
Đề nghị các bộ ngành quan tâm xử lý các kiến nghị của Tập đoàn, Tổ phó Tổ công tác cho biết kết quả kiểm tra và các kiến nghị của Tập đoàn sẽ được báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp tới.