Tòa nhà thương mại thân thiện với môi trường thường có giá thuê cao hơn
Phát triển công trình xanh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng Thúc đẩy phát triển công trình xanh Chi phí đầu tư cản bước phát triển công trình xanh |
Không chỉ những chủ đầu tư phát triển dự án bán lẻ, mà ngay cả các thương hiệu cũng bắt đầu quan tâm chứng chỉ xanh. |
Theo một nghiên cứu của Cushman & Wakefield, thế hệ Millennials và GenZ là động lực kinh tế chính, luôn mong muốn tạo ra sự khác biệt trên thế giới. Họ thích những công ty coi trọng trách nhiệm xã hội và sự bền vững của môi trường. Vì vậy, để thu hút những thế hệ tiêu dùng này, các nhà phát triển không chỉ bổ sung thêm nhà hàng và nhà bán lẻ mới mà còn chú trọng hơn vào tính bền vững.
Mặc dù Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển các công trình dạng này được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Trong khi các tòa nhà cũ đã tồn tại nhiều năm trên thị trường, không có chứng nhận công trình xanh, các tòa nhà mới có lợi thế hơn trong việc hướng tới các chứng nhận công trình xanh. Đến cuối tháng 3 năm 2024, số lượng công trình xanh của Việt Nam đạt khoảng trên 430 công trình với tổng diện tích khoảng 10 triệu m2 sàn xây dựng, theo Bộ Xây dựng.
Tiêu biểu trong lĩnh vực bán lẻ có các dự án Saigon Centre 2 và Estella Place đã và đang giữ vững các tiêu chuẩn xanh với chứng nhận BCA Green Mark trong nhiều năm, với lần tái chứng nhận gần nhất là năm 2022 và 2023.
Bên cạnh đó, Aeon cũng là một trong những chủ đầu tư quan tâm đến tiêu chuẩn bền vững, trong đó phải kể đến dự án AEON Mall Huế vừa nhận được 2 chứng nhận xanh trong giai đoạn thiết kế: LOTUS Gold (theo tiêu chuẩn đánh giá công trình mới, phiên bản 3) và EDGE; đây cũng là dự án trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ EDGE.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định: “Tất cả những điều này chỉ là khởi đầu của một cam kết bền vững lâu dài cho lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Việc bổ sung các chứng nhận công trình xanh có thể giúp nâng cao hình ảnh công ty của chủ đầu tư và uy tín của những dự án phát triển đó".
Một trong những lợi thế khác đối với các nhà đầu tư và nhà phát triển là các tòa nhà thương mại thân thiện với môi trường thường có giá thuê cao hơn. Đồng thời, chúng cũng có khả năng phục hồi tốt hơn trước bất kỳ sự suy thoái nào của thị trường vì nơi đây vẫn là địa điểm được nhiều doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Dự báo của Cushman & Wakefield đến năm 2027 sẽ có tổng 3 triệu m2 nguồn cung bán lẻ phục vụ cho hai thành phố lớn nhất. Cushman & Wakefield ghi nhận các chủ đầu tư trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ mới đang dần quan tâm đến tiêu chuẩn xanh từ những bước đầu tiên.
Không chỉ những chủ đầu tư phát triển dự án bán lẻ, mà ngay cả các thương hiệu cũng bắt đầu quan tâm chứng chỉ xanh nhằm thể hiện sự cam kết về tính bền vững cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và người tiêu dùng. Ví dụ như thương hiệu Pizza 4P vừa nhận được chứng chỉ LEED Gold về thiết kế và thi công nội thất dành cho cửa hàng tại Lotte Mall West Lake Hanoi.
“Các nhà đầu tư, nhà phát triển và chủ sở hữu công trình thương mại ở Việt Nam giờ đây phải hiểu thực tế rằng theo thời gian, các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm và đầu tư ESG ngày càng trở nên phổ biến hơn và điều này cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư và nhà phát triển chuyển đổi mục tiêu chiến lược bền vững trở thành ưu tiên kinh doanh hàng đầu phù hợp với yêu cầu của thị trường vốn, thay vì chỉ đơn giản là phát triển các công trình xanh sang”, bà Trang Bùi cho biết.