TP. HCM: Nỗ lực tăng “chất” dòng vốn FDI
Thu hút FDI đối diện nhiều xu thế mới Thu hút FDI sẽ gặp nhiều thách thức Chuyên gia kinh tế: Bắc Giang là một cạnh quan trọng trong "tam giác FDI" mới phía Bắc |
Bà Mai Phong Lan, Phó trưởng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, cả năm 2022 tổng giá trị vốn FDI trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 4,33 tỷ USD, bằng 60,29% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, thành phố thu hút 11.220 dự án đầu tư FDI với tổng số vốn đạt 56 tỷ USD.
Hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với sự phát triển của một đô thị lớn. Khu vực FDI cũng đã thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực và có tác động nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.... Các dự án FDI cũng đào tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề khá cao.
Tuy nhiên, vốn FDI tại TP.HCM vẫn chỉ tập trung ở một số quận, thành phố Thủ Đức và trong một số ngành nhất định. Các doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được nhiều lan tỏa về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước. Để nguồn vốn FDI tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TP.HCM đang đặt mục tiêu nâng cao cả giá trị và số lượng dự án đăng ký đầu tư, cụ thể giai đoạn 2023 - 2025 tăng tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký trong tổng số vốn FDI cả thành phố lên hơn 70% và lên 75% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Phát triển hạ tầng cảng biển là một trong những yếu tố để thu hút FDI |
Trong ngắn hạn và trung hạn, thành phố ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch... Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn FDI cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối (đường bộ, cảng biển, hàng không), dịch vụ chất lượng cao (tài chính, ngân hàng, logistics, viễn thông, vận tải, du lịch...).
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Phú Trường, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC góp ý, các doanh nhân, quỹ đầu tư có nhiều quan hệ cũng là những đầu mối dễ chia sẻ, gần gũi với các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cần có đánh giá chính xác về các nhà đầu tư tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để từ đó kéo theo những nhà đầu tư khác, mở ra không gian phát triển mới cho thành phố.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, về định hướng thu hút FDI, nếu so sánh các yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài truyền thống thì thành phố hiện nay đang có những bất lợi trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án sản xuất quy mô lớn vì quỹ đất hiện rất hạn chế, chi phí đầu vào cao, lao động khó khăn… Do vậy, thành phố đã xác định chiến lược trong thời gian tới là cũng sẽ tập trung thu hút các chuỗi cung ứng vào vùng, khu vực và hoạt động sản xuất trực tiếp thực hiện tại các địa phương lân cận.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đối mặt với những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động… Cùng với đó, để có thể thu hút mạnh mẽ FDI mới, tiềm năng, thành phố cần giải quyết sớm những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư; thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị… Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; mô hình phát triển của các khu công nghiệp chậm được đổi mới, liên kết, hợp tác trong chính các khu, giữa các khu với nhau và giữa khu chế xuất, khu công nghiệp với khu vực bên ngoài còn lỏng lẻo; bên cạnh đó, phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đất.
Mặt khác, hạ tầng phục vụ khu công nghiệp trên địa bàn còn chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Vì thế cần tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn này để tạo sức hấp dẫn hơn cho môi trường đầu tư. Công tác quản lý, theo dõi các dự án sau khi được cấp phép còn thiếu chặt chẽ, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư chưa thực sự hiệu quả.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho rằng, vấn đề nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, chính sách rõ ràng, dễ hiểu, ít thay đổi và dự báo được; tiếp đến là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật - giao thông, khả năng kết nối chuỗi cung ứng với khu vực, thúc đẩy liên kết vùng một cách chặt chẽ.