TP. Hồ Chí Minh: Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 12,2%
Theo đó, quý 1/2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 128.610 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Trong đó, hai nhóm có tỷ trọng cao nhất là lương thực, thực phẩm (chiếm 32,8%), đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (chiếm 23,1%) có mức tăng tương ứng là 11,3% và 8,7% so với cùng kỳ.
TP. Hồ Chí Minh có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1/2024 tăng 12,2% |
Lĩnh vực lưu trú và ăn uống có doanh thu ước đạt 29.698 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành lưu trú tăng ở mức cao 47,4% so với cùng kỳ do tác động từ ngành du lịch; ngành dịch vụ ăn uống tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh thu dịch vụ lữ hành của thành phố tăng 58,7% so với cùng kỳ. Chỉ riêng tháng 3, lĩnh vực dịch vụ lữ hành ước đạt 3.106 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 98,2% so với cùng kỳ. Trong tháng, thành phố đã tổ chức Lễ hội Áo dài TP. Hồ Chí Minh 2024 đã thu hút lượng lớn du khách nội địa và du khách quốc tế.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 103.788 tỷ đồng, tăng 15,5%, trong đó, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 58,7% trong tổng doanh thu dịch vụ khác, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản quý I khởi sắc khi Chính phủ và các doanh nghiệp thực hiện nhiều chính sách có liên quan về pháp lý, lãi suất, góp phần tăng tính thanh khoản và tiến độ triển khai các dự án.
Theo nhận định của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 3, thị trường hàng hóa tương đối ổn định, các đơn vị kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi trên các kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử để kích cầu mua sắm tiêu dùng. “Ba tháng đầu năm 2024 cũng là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh”, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định.