TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực chuyển dịch mô hình khu công nghiệp
Các doanh nghiệp đua nhau đầu tư, mở rộng khu công nghiệp Nguồn vốn FDI dồi dào thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp Công nghệ mở đường đưa khu công nghiệp vào kỷ nguyên xanh và thông minh |
Mặc dù hoạt động hiệu quả, nhưng các mô hình khu công nghiệp tại thành phố hầu hết đang ở giai đoạn phát triển nhờ vào tài nguyên là chủ yếu, chưa tăng cường áp dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong quá trình hoạt động. Với mong muốn đón đầu những cơ hội lớn từ quá trình chuyển dịch đầu tư toàn cầu cũng như thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp của địa phương, thành phố xác định chuyển đổi công nghiệp là động lực phát triển mới với nhiều hành động quyết liệt hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực hay châu lục.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tổ chức thực hiện một định hướng phát triển bền vững khu công nghiệp, từ mô hình truyền thống hiện có sang mô hình các khu công nghiệp sinh thái thực sự quan trọng và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh.
Nhấn mạnh điều này, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, nhà tiên phong xây dựng phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với thành phố và các đô thị trên toàn thế giới. Việc chuyển đổi này sẽ không chỉ mang lại hình ảnh tốt đẹp cho TP. Hồ Chí Minh, mà còn tạo cơ hội để thành phố phát triển bền vững trong tương lai.
Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 5 khu công nghiệp trên cả nước tham gia dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UNIDO triển khai. Hiện tại, Khu công nghiệp Hiệp Phước có trên 20% dự án tham gia cộng sinh công nghiệp, bằng cách tiết giảm sử dụng năng lượng, nước sạch, giảm phát thải ra môi trường… từ đó giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, giảm giá thành và gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. |
"Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái sẽ tạo ra tính cạnh tranh rất cao, thu hút các nhà đầu tư và nguồn tài chính rất nhanh. Điều này mang đến những giá trị hoàn toàn khác biệt so với các khu công nghiệp thông thường", ông Điệp khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, phát triển các khu công nghiệp sinh thái là giải pháp tối ưu nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống. Hơn nữa, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Khu công nghiệp sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Trên bình diện quốc tế nói chung, hiện nay hầu hết các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như Apple hay Microsoft đều đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư đến các quốc gia còn nhiều dư địa hướng tới mục tiêu Netzero vào năm 2030. Đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghiệp để tiếp cận và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang chuyển nguồn vốn sang những thị trường mới như TP. Hồ Chí Minh với những chính sách thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp sinh thái. Đây chính là điểm sáng của TP. Hồ Chí Minh.
Về định hướng phát triển của thành phố trong dài hạn để phát triển bền vững phù hợp với xu hướng của thế giới, Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, TP. Hồ Chí Minh chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu. Thành phố sẽ tập trung có những cơ chế chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo cơ hội điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hoạt động và phát triển theo hướng xanh hóa".