TP. Hồ Chí Minh phải tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Đề xuất tiêu chí phân loại dự án đầu tư công Người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân vốn đầu tư công Khánh Hòa đẩy mạnh đầu tư công để tạo đột phá |
Dù cao hơn cùng kỳ năm 2023 song, tỷ lệ lại thấp hơn trung bình của cả nước và thấp hơn mục tiêu mà thành phố đề ra. Chính vì vậy, việc phấn đấu giải ngân đạt hơn 95% tổng số vốn đầu tư công (khoảng 79.200 tỷ đồng) đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh phải triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. TS. Trần Du Lịch cho biết, giải ngân, thúc đẩy đầu tư công là vấn đề cực nóng trong phát triển kinh tế. Đầu tư công được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc bố trí và giải ngân vốn đầu tư công, cho phép tách dự án thành 2 phần gồm phần đền bù và xây dựng, từ đó tạm ứng ngân sách để đền bù trước nhằm giải quyết tắc nghẽn. Nếu tiếp tục mở rộng phân cấp, phân quyền, cải tiến các thủ tục hành chính sẽ thúc đẩy tích cực đầu tư công và huy động nguồn lực, hạ tầng xã hội", ông Lịch nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư công là cơ hội để doanh nghiệp có thể tạo thêm việc làm.
Trong khi đó, TS. Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần nghiên cứu thành lập một Ban chỉ đạo dự án công. Ban này sẽ giữ vai trò chỉ đạo xuyên suốt. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn đối với các dự án nhóm B, C cho các ban quản lý dự án khu vực quận huyện, TP.Thủ Đức làm chủ đầu tư. "Việc phân cấp, ủy quyền là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công. Thực tế cho thấy những năm qua, khi Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án cao tốc đã đạt được những kết quả nổi bật", ông Thuận nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu tập trung các giải pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công; các ban quản lý dự án lớn phải rà soát, chuyển giao dự án về cho cấp quận huyện thực hiện.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 23 sửa đổi một số điều của Quyết định số 19/2021 của UBND thành phố về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công ở TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, điều chỉnh theo hướng đối với các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực và các dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công ngân sách thành phố, Sở Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan tham mưu chủ tịch UBND thành phố quyết định việc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện để lập hồ sơ, trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. UBND TP. Hồ Chí Minh cũng ủy quyền cho quận huyện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các đồ án lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành quyết định ủy quyền cho UBND các quận huyện phê duyệt, điều chỉnh đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500; phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt và điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (để phục vụ dự án đầu tư công) trên địa bàn thành phố. Thời hạn ủy quyền đến 31/12/2026.
“Các đơn vị hoàn tất các thủ tục về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các dự án triển khai thuận lợi; đẩy mạnh giải quyết các kiến nghị của sở, ngành, địa phương còn tồn tại. Các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn phải kết hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án lớn trên địa bàn… Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến hết quý 4 giải ngân trên 95% vốn đầu tư công”, ông Mãi khẳng định.