TP. Hồ Chí Minh tăng cường xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Theo đó, Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý, phụ trách, đường dây, đối tượng; tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm… Các đơn vị cũng phải nắm chắc các thủ đoạn gian lận về giá, đo lường, chất lượng, xuất xứ, hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, tập trung vào nhóm các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại, linh kiện máy công cụ, ô tô, xe máy, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Ban Chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. |
Đối với Cục Hải quan thành phố, Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong khu vực kiểm soát hải quan tại các tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn hải quan quản lý. Các đơn vị hải quan tập trung vào các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để vi phạm như lợi dụng thủ tục hải quan điện tử, hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập; lợi dụng chính sách ưu đãi hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu, chính sách tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan...
Ban chỉ đạo 389 cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường quản lý địa bàn, lập danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh để có kế hoạch theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ và thương mại điện tử; xác định rõ địa bàn, đối tượng hoạt động, lĩnh vực và nhóm hàng hóa trọng điểm, đặc thù, xử lý triệt để các hành vi vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ,... trên địa bàn thành phố.
Song song đó, Cục Quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật; tập trung kiểm soát các nhóm hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; nhóm hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng hóa ảnh hưởng đến nền kinh tế xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đường cát,...
Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu Công an thành phố xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn bán, các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; đẩy mạnh công tác điều tra các vụ việc về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, phức tạp; chủ động phát hiện, tham mưu, kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sớm đưa ra truy tố, xét xử, nghiêm minh trước pháp luật…
“Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm; tránh trùng lặp nhưng cũng không bỏ qua kẽ hở; không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh yêu cầu.