TP. Hồ Chí Minh: Thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm
Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố sẽ do ông Phan Văn Mãi Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng ban là: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thành phố; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Cải tạo kênh Tham Lương Bến Cát là một trong những dự án được Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Hồ CHí Minh theo dõi đẩy nhanh tiến độ |
Các cơ quan thường trực phối hợp liên ngành gồm có Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở Tài Nguyên – Môi trường.
Theo đó, Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm có quyền hạn được chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư công trình, dự án, các tổ chức tư vấn, các nhà thầu trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình; đề xuất mời cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện kiểm tra đột xuất, định kỳ các công trình, dự án khi thấy cần thiết để phòng ngừa từ xa, từ sớm các sai sót (nếu có); được triệu tập thủ trưởng các sở ngành, Ban Quản lý dự án, địa phương có liên quan tham gia các cuộc họp; cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo….; được đề xuất kiểm điểm, thay thế chủ đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng có năng lực, kinh nghiệm yếu kém, không đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án hoặc triển khai dự án không đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, triển khai đầu tư các dự án trọng điểm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố (gồm: tuyến Metro số 1, Metro số 2, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, Rạch Xuyên Tâm, Tham Lương - Bến Cát, Khu Công nghệ Môi trường Xanh,... và các dự án khác); kết hợp với việc khai thác các quỹ đất xung quanh dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố (rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, công tác đấu thầu,...).
Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) là mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, nghiên cứu phát triển quỹ đất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, để chỉnh trang phát triển đô thị góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; tổ chức rà soát phạm vi, quy mô đầu tư, phương án kỹ thuật, công nghệ, tác động môi trường, tổng mức đầu tư dự án (chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư), quỹ đất công dọc tuyến đường và quy hoạch đất nông nghiệp tại khu ít dân cư để tạo quỹ đất sạch…; đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết, có tính khả thi nhằm hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án và tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư….