TP. Hồ Chí Minh: thu giữ 9.488,5 kg Xyanua, tăng cường xử lý mua bán trái phép hóa chất nguy hiểm, độc hại
Theo Ban Chỉ đạo 138 TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, hoạt động mua bán trái phép hóa chất nguy hiểm, độc hại (đặc biệt là Xyanua) diễn ra phổ biến, dễ dàng tại các địa điểm kinh doanh hóa chất và cả trên không gian mạng. Bên cạnh một bộ phận người dân mua Xyanua trái phép để phục vụ cho nhu cầu khai khoáng, xi mạ, chế tác kim loại, đã xuất hiện nhiều vụ giết người, cướp tài sản hoặc tự tử có nguyên nhân từ việc mua bán trái phép chất Xyanua.
TP. Hồ Chí Minh tăng cường xử lý các trường hợp mua bán trái phép hóa chất độc hại - Chợ Kim Biên là chợ buôn bán nhiều loại hóa chất trên địa bàn thành phố |
Từ kết quả đấu tranh, xử lý của Công an thành phố cho thấy, mặc dù việc kinh doanh, sản xuất, vận chuyển các loại hóa chất nguy hiểm, độc hại đã được nhà nước quy định chặt chẽ (cần phải có giấy phép đặc biệt; có phiếu kiểm soát; giấy giới thiệu, công văn, giấy xác nhận thể hiện rõ thông tin, số lượng, mục đích của bên mua và bán…), tuy nhiên trách nhiệm quản lý của một số cơ quan vẫn còn sơ hở, thiếu sót. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, mua Xyanua trái phép để phục vụ cho nhu cầu khai khoáng, xi mạ, chế tác kim loại; đặc biệt là nhiều đối tượng vì vụ lợi cá nhân đã thành lập các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại để nhập khẩu Xyanua về Việt Nam, lập khống các hóa đơn, chứng từ nhằm che giấu hành vi sai phạm, từ đó “tuồn” ra ngoài thị trường, bán lại cho các khách hàng không có giấy phép kinh doanh mua, bán chất độc Xyanua; không lập phiếu kiểm soát, ghi nhận thông tin, mục đích người mua, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Đây chính là những nguyên nhân, điều kiện, tác động, phát sinh những vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân; gây hoang mang, bức xúc trong xã hội.
Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương trực thuộc Công an thành phố đã phát hiện, khởi tố 05 vụ án/17 bị can về các tội mua bán, tàng trữ trái phép chất độc; thu giữ 9.488,5 kg Xyanua, 315 kg axit Sulfuric, 105 kg axit Cholhidric cùng nhiều tang vật khác có liên quan; khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ Xyanua tại 11 tỉnh, thành trên cả nước để thu hồi hơn 318,5 kg Xyanua mua bán trái phép. Phát hiện xử lý 12/21 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm, phẩm màu, hương liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ban Chỉ đạo 138 TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Công Thương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thẩm định việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp. Phối hợp Cục Hóa chất, Bộ Công Thương tiến hành rà soát toàn bộ doanh nghiệp đã được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn Thành phố để trao đổi, thông tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan hoạt động kinh doanh hóa chất, nhất là độc chất Xyanua.
Ban Chỉ đạo 138 TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, thành lập các Tổ kiểm tra liên ngành (gồm lực lượng Công an, Quân đội, Quản lý thị trường, Y tế, Hải quan…) tiến hành kiểm tra đột xuất, hậu kiểm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng kinh doanh hóa chất về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu, điều kiện kinh doanh, quản lý, vận chuyển, nơi lưu trữ… tập trung tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Chợ hóa chất, Chợ dân sinh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại.
Ban Chỉ đạo 138 TP. Hồ Chí Minh đề nghị công an thành phố nắm tình hình các tổ chức, cá nhân có sử dụng hóa chất nguy hiểm, độc hại phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao trên địa bàn để đánh giá tác động đến tình hình an ninh kinh tế, an ninh môi trường; tập trung rà soát, phát hiện, đấu tranh, xử lý triệt để các đường dây, đối tượng thực hiện hành vi sản xuất, xuất – nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc vi phạm các quy định về quản lý hóa chất nguy hiểm, độc hại (theo Điều 311, 312 Bộ Luật hình sự) để xử lý nghiêm nhằm kịp thời răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước (nếu có).
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền, đấu tranh, phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất, đặc biệt chất độc Xyanua, Ban Chỉ đạo 138 Thành phố cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận huyện tập trung thực hiện nhiều giải pháp phối hợp kiểm tra xử lý.