TP.HCM: Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ảnh minh họa |
Theo ông Liêm, trong những năm qua, công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2013 đến năm 2016, thành phố đã cổ phần hóa 32 doanh nghiệp, tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đạt 9.338,070 tỷ đồng, bằng 196,76%, tăng 1,96 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước trước khi xác định lại.
Giai đoạn 2014-2018, thành phố đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, thu về được 5.238,24 tỷ đồng, tăng 1,65 lần so với phần vốn nhà nước bán ra; tổ chức sắp xếp lại bằng các hình thức giải thể, phá sản, bán doanh nghiệp tại 13/25 doanh nghiệp…
Những kết quả cụ thể trên đã góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố giai đoạn 2011-2017, bình quân nộp ngân sách nhà nước hằng năm 10.868 tỷ đồng.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc cổ phần hóa còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa thực hiện đúng tiến độ lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (2016-2020) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; một vài trường hợp xác định lại giá trị để cổ phần hóa doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ tài sản; việc thực hiện Đề án tái cơ cấu được phê duyệt tại một số doanh nghiệp chưa có sự tập trung cao vào các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, có trường hợp doanh thu từ việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, lợi nhuận của doanh nghiệp chủ yếu từ nguồn thu tài chính; một số trường hợp xử lý các khoản đầu tư thua lỗ, sắp xếp giải thể, phá sản các doanh nghiệp không hiệu quả kéo dài; công tác quyết toán chuyển thể giai đoạn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán còn khó khăn, vì vậy tính công khai, minh bạch còn hạn chế...
Ông Liêm cũng chỉ rõ những tồn tại trên là do doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp về tài chính; quản lý, sử dụng nhiều vị trí nhà, đất và nhiều hoạt động liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất; nhiều doanh nghiệp tính chất hoạt động liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, công ích của thành phố; năng lực đơn vị tư vấn định giá được lựa chọn có trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số quy định về cổ phần hóa, thoái vốn được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, thời gian thực hiện dài, nhất là về đất đai, công tác xác định giá trị doanh nghiệp để đảm bảo tối đa lợi ích của nhà nước và phải thực hiện quy trình lại từ đầu.
Ngoài ra một số sở, ngành, doanh nghiệp chưa tích cực, chủ động trong việc triển khai nhiệm vụ, còn tâm lý e ngại, chờ đợi chỉ đạo, không chủ động tham mưu đề xuất xử lý hoặc giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.
Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo phân công nhiệm vụ của giám đốc sở, ngành chức năng, chủ tịch UBND quận - huyện và hội đồng thành viên các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM; các đơn vị phải tập trung hoàn thành việc xây dựng, thẩm định và trình UBND TP.HCM quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện.