TP.HCM: Doanh nghiệp mới thành lập giảm nhưng vốn tăng gần 35%
Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng giấy phép là 20.537, chiếm 70,5% trong tổng số, giảm 8,4% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 567.417 tỷ đồng, chiếm 85,1%, tăng 57,4%.
Ảnh minh họa |
Theo đó, có 25.040 doanh nghiệp đăng ký mới theo loại hình công ty TNHH (giảm 8,1% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 183.167 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước); 3.886 doanh nghiệp đăng ký là công ty cổ phần (giảm 3,5%; vốn đăng ký 483.641 tỷ đồng, tăng 90,8% so với cùng kỳ). Doanh nghiệp tư nhân có 186 đơn vị, vốn đăng ký đạt 243 tỷ đồng; số giấy phép giảm 14,3% và số vốn tăng 11,7%.
Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 28%; vốn đăng ký đạt 2.849 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước với tổng cộng 169 đơn vị. Doanh nghiệp đăng ký khu vực công nghiệp, xây dựng là 6.478 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 80.905 tỷ đồng, giảm 29,2%. Trong đó, ngành xây dựng có 2.846 doanh nghiệp, vốn đạt 49.929 tỷ đồng, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm trước; Riêng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 3.008 đơn vị, tăng 3,4%, số vốn đăng ký đạt 18.727 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp khu vực thương mại, dịch vụ được cấp phép mới 22.467 doanh nghiệp, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 583.310 tỷ đồng, tăng 53,7%. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản 1.707 đơn vị, giảm 24%; vốn đăng ký 413.640 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần. Thương nghiệp có 10.705 doanh nghiệp, giảm 3,8%; vốn đăng ký đạt 68.241 tỷ đồng, tăng 1,6%.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục Trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, TP.HCM cần huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, khơi dậy sức mạnh văn hoá của người Việt Nam để mỗi người là một chiến sĩ trong việc tự bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân và gia đình, bảo vệ doanh nghiệp, cơ quan, trường học không bị nhiễm virus dịch bệnh Covid-19. Thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động; Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
“Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công - xem đây là nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, từ đó thay đổi tư duy quản lý, phương pháp quản trị điều hành trong toàn xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của đô thị thông minh. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế”, ông Hùng đề xuất.