TP.HCM: Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp chỉ đạt 60% công suất
Với mức giá và lượng heo giết mổ hiện nay, mỗi tháng công ty thua lỗ khoảng 2 tỉ đồng |
Sau khi đưa vào hoạt động ngày 1/4, đại diện một nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp cho biết đã phải chấp nhận bù lỗ khi lấy giá giết mổ công nghiệp bằng giá thủ công trước đó là 40.000 đồng/con. Tuy nhiên, lượng lợn giết mổ cũng mới chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế.
Với tổng vốn đầu tư lên gần 700 tỉ đồng (đất, chi phí vay, cơ sở vật chất, trang thiết bị...), công ty giết mổ có thể "gồng" để bù lỗ trong khoảng 3 tháng, nhưng nếu kéo dài hơn chắc phải đóng cửa.
"Với mức giá và lượng heo giết mổ hiện nay, mỗi tháng công ty thua lỗ khoảng 2 tỉ đồng", đại diện đơn vị cho biết.
Ông Đinh Minh Hiệp, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết giết mổ công nghiệp là chính sách đúng để cải thiện chất lượng thịt. Nhưng không vì thế mà khẳng định thịt được giết mổ thủ công không an toàn, bởi thành phố vẫn đang nhập thịt từ các tỉnh và có kiểm soát.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM phối hợp UBND các quận Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè triển khai thực hiện Quyết định số 231/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 của UBND TP.HCM về gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công hiện hữu trên địa bàn TP.HCM.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, người tham gia giết mổ động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; Thực hiện nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ theo quy định của pháp luật về thú y tại các cơ sở giết mổ.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các quận, huyện tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung tuyên truyền những tác hại của việc sử dụng sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Đồng thời, phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép; Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu nhập vào cơ sở, bao bì, tem nhãn và điều kiện hoạt động của cơ sở…
Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đồng thời việc tăng cường công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật có vai trò rất quan trọng trong việc giúp ngăn chặn dịch bệnh động vật lây lan, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, hạn chế thiệt hại về kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.
“Ngành nông nghiệp sẽ theo dõi sát hoạt động giết mổ công nghiệp để kiến nghị lên thành phố nhằm sớm tháo gỡ các khó khăn. Thành phố đã đưa ra mục tiêu 80-90% nguồn cung lợn sẽ được giết mổ công nghiệp”, ông Hiệp khẳng định.