TP.HCM: Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ
Theo nhận định của lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, diễn biến thị trường trên địa bàn thành phố thời gian qua khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Hệ thống phân phối trên địa bàn có 233 chợ, 3 chợ đầu mối, 267 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và 3.321 cửa hàng tiện lợi; các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Ngành công thương TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, kích thích tiêu dùng của người dân để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa |
Trong thời gian qua, hoạt động thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo tăng do một số nước cấm xuất khẩu, giảm sản lượng gạo bán ra; một số nước tăng mua dự trữ gạo. Sở Công Thương TP.HCM đã phối hợp các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; doanh nghiệp bình ổn triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng; thu mua và cân đối đảm bảo nguồn cung cho thị trường, duy trì lượng hàng dự trữ bình ổn thị trường đầy đủ để sẵn sàng cung ứng ra thị trường.
Theo kết quả khảo sát của Nielsen, 72% người được khảo sát mua sắm thường xuyên hơn ở những cửa hàng có nhiều khuyến mại hoặc mua online để nhận nhiều ưu đãi, vì vậy thành phố triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, như Chương trình khuyến mại tập trung mùa mua sắm “Shopping Season” 2023 trong hai đợt (từ ngày 15/6 đến ngày 15/9/2023 và từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2023), nhằm tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và những nền tảng mới nhằm tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, siêu thị tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhân dịp Lễ 2/9 nhằm kích cầu tiêu dùng, mua sắm để người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận và mua được những sản phẩm Việt chất lượng tốt, vừa túi tiền, tạo động lực để thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước.
Theo đó, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM nhận định những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã tác động tới bức tranh chung của thị trường bán lẻ trong nước. Khi thương mại điện tử và các chuỗi siêu thị lớn phát triển ngày càng mạnh, hàng hóa đa dạng và giá cả ngày càng tốt, thì đây sẽ là những điểm đến tin tưởng của các nhãn hàng để thực hiện các chương trình khuyến mãi.
“Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức Chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2023, kết hợp với tổ chức Lễ hội Tinh hoa làng nghề và đặc sản Việt Nam năm 2023; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu kết nối vùng nguyên liệu để giúp doanh nghiệp thành phố chủ động được nguyên liệu, giảm giá thành. Đồng thời, thành phố tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2022-2032 trên địa bàn với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023, Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn, trong đó chú trọng phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp tiếp cận được hàng hóa với giá cả phù hợp…”, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết.