TP.Hồ Chí Minh: Tiến độ điều tra kinh tế doanh nghiệp quá chậm
Đầu tháng 3/2021, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định ban hành Chỉ thị số 4 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn. Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng khẳng định, đây là cuộc tổng điều tra kinh tế có quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi điều tra rộng, liên quan đến nhiều người. Việc thực hiện tổng điều tra có ý nghĩa quan trọng phục vụ công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành thành phố.
Ảnh minh họa |
Sự kiện này nằm trong quá trình thực hiện cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước do Tổng cục Thống kê triển khai, làm cơ sở đề ra các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương. Theo số liệu thống kê, TP. HCM hiện có hơn 300.000 doanh nghiệp, chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp cả nước. Để thực hiện cuộc điều tra với quy mô lớn này, từ tháng 5/2020, Trung ương cùng TP.HCM đã tiến hành hàng loạt công tác chuẩn bị gồm xây dựng phương án, thiết kế phiếu điều tra; xây dựng phần mềm xử lý thông tin và chuẩn bị hạ tầng thông tin; công tác tuyển chọn và tập huấn điều tra; tiến hành rà soát các đơn vị điều tra.
Tuy nhiên, vừa qua, làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM, sau hơn 1,5 tháng kê khai doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM Võ Thanh Sang cho biết, tổng số doanh nghiệp trong cơ sở dữ liệu để điều tra là hơn 294.700 doanh nghiệp. Từ ngày 1/3 đến nay, số doanh nghiệp đã và đang kê khai mới đạt tỷ lệ 46,3%. Trong khi đó, tổng số cơ sở hành chính là 902 cơ sở, có 784 cơ sở đã và đang kê khai. Lý giải về tỷ lệ kê khai đạt thấp ông Sang cho rằng, TP.HCM có số lượng doanh nghiệp nhiều (chiếm hơn 30% số lượng của cả nước) hoạt động ở tất cả các ngành kinh tế nên việc triển khai, tiếp cận toàn bộ số cơ sở trong thời gian gần 3 tháng theo kế hoạch (từ ngày 1/3 đến ngày 30/5) là khá khó khăn.
Đặc biệt, ông Sang cho rằng, do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngưng, chuyển địa điểm kinh doanh gây trở ngại trong tiếp cận và triển khai điều tra. Hầu hết các doanh nghiệp đều thuộc doanh nghiệp nhỏ, không có bộ phận kế toán chuyên môn về thống kê nên việc kê khai các chỉ tiêu thống kê gặp nhiều khó khăn.
Để việc điều tra kinh tế doanh nghiệp được đúng kế hoạch, ông Sang đề nghị UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác tuyên truyền trên báo, đài về nội dung, thời gian kê khai phiếu điều tra đến doanh nghiệp và các đối tượng điều tra bằng nhiều hình thức. Ban chỉ đạo các cấp quán triệt đến điều tra viên việc tuân thủ đúng quy trình điều tra, thường xuyên liên hệ để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp điền đúng và đầy đủ thông tin phát sinh trên phiếu điều tra.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Thống kê TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương sau khi doanh nghiệp đăng nhập kê khai phiếu đề nghị cho phép hiển thị tên, số điện thoại của điều tra viên và đơn vị được giao phụ trách hướng dẫn ngay góc phải màn hình để doanh nghiệp tiện liên hệ nếu có nhu cầu cần trợ giúp. Đối với quản trị viên khi kiểm tra logic của quận, huyện, thì đề nghị trong tiện ích này cần bổ sung thêm cột tên điều tra viên, nhằm thuận lợi cho quản trị viên nhắc nhở, đôn đốc một cách kịp thời.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chỉ đạo các quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng tốc tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn TP.HCM để đánh giá thực trạng sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, giúp công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả nước sát với tình hình thực tiễn.
“Các quận, huyện, TP.Thủ Đức phải xem cuộc tổng điều tra là cơ hội để đánh giá thực trạng sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, giúp cho công tác hoạch định chính sách, điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của TP.HCM và cả nước sát với tình hình thực tiễn. UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện phải kiểm tra, giám sát và trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở thực tế và điều tra cơ sở hành chính”, ông Hoan chỉ đạo để cuộc tổng điều tra được đúng tiến độ.