Trái dừa Việt Nam trước cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã gởi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương để thông tin cho các địa phương cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn và hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi tham gia kiểm tra trực tuyến; đồng thời chuẩn bị hồ sơ và tài liệu kỹ thuật liên quan đến công tác quản lý, phòng chống sinh vật gây hại theo yêu cầu của phía bạn.
Cơ hội cho trái dừa xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc |
Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung vào kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, công tác đào tạo và giám sát dịch hại...; công tác phòng dịch của doanh nghiệp xuất khẩu (bố trí vườn trồng, biện pháp phòng dịch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đào tạo cán bộ); quy trình thu hoạch, vận chuyển và đóng gói dừa xuất khẩu;… Kế hoạch kiểm tra này thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên.
Việc kiểm tra sẽ giúp Trung Quốc đánh giá được chi tiết về hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng dừa xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, đảm bảo xuất khẩu dừa an toàn và hiệu quả hơn. Qua đó nâng cao tính minh bạch, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn của dừa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần thúc đẩy ký kết Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi giữa hai nước.
Theo các thương lái thu mua dừa, hiện nay, dừa tươi chủ yếu tiêu thụ trong nước, do đang vào mùa mưa và mùa trái cây nên thị trường tiêu thụ chậm. Cùng với đó, năng suất dừa hiện nay tăng cao do vào vụ mùa nên nguồn cung dồi dào làm cho giá dừa xuống thấp.
Hiện nay, Việt Nam có đến hơn 180.000 ha đất nông nghiệp dùng để trồng dừa, đứng thứ 7 về sản xuất dừa trên toàn thế giới, với số lượng lớn đều tập trung tại Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung. Đặc biệt, tỉnh Bến Tre được xem là thủ phủ của cây dừa với diện tích hơn 80.000 ha.
Hiện các địa phương trồng dừa đang rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáng chú ý, để xuất khẩu dừa sang Trung Quốc thuận lợi, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ với hơn 7.000 ha dừa đạt chứng nhận dừa hữu cơ
Theo các chuyên gia, nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc tiếp tục tăng hằng năm. Nơi sản xuất dừa chính tại Trung Quốc là đảo Hải Nam chỉ sản xuất 250 triệu trái dừa mỗi năm, trong khi nhu cầu thị trường hàng năm của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ trái. Do thị trường Trung Quốc có nhu cầu dừa rất lớn nhưng sản lượng dừa của nước này chỉ đáp ứng được 10% nên chỉ có thể dựa vào dừa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Việc hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra vùng trồng và các doanh nghiệp Việt đang nổ lực thay đổi đầu tư trang thiết bị trong canh tác kỳ vọng dừa tươi Việt Nam có cơ hội nhận được “tấm vé thông hành” xuất khẩu thuận lợi sang thị trường lớn này.