Trái phiếu phục hồi nhưng chưa thể lạc quan
VNDirect: Để thị trường trái phiếu phục hồi cần đồng bộ các giải pháp
|
Phát hành trái phiếu riêng lẻ bứt phá
Tính chung cả quý này, toàn thị trường đã có 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với quý II và tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 80 đợt phát hành riêng lẻ (giá trị 88.715 tỷ đồng) còn lại là phát hành ra công chúng (khoảng 11.450 tỷ đồng).
Ngoài nhóm tài chính ngân hàng, nhóm doanh nghiệp bất động sản thời gian qua có tỷ trọng phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn trên thị trường. Cụ thể, trong quý III, tổng trị giá trái phiếu phát hành riêng lẻ của các công ty bất động sản đạt khoảng gần 29.600 tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng giá trị phát hành.
Các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu riêng lẻ nhiều nhất trong quý này có thể kể đến Công ty TNHH Capitaland Tower (4 đợt phát hành, tổng giá trị 12.200 tỷ đồng, lãi suất 1%/năm kỳ hạn 60 tháng); Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt (phát hành 4.100 tỷ đồng, lãi suất 13,3%/năm kỳ hạn 15 tháng); CTCP Bất động sản BIM (phát hành 2.333 tỷ đồng, lãi suất 10,4%/năm kỳ hạn 84 tháng), CTCP Phú Thọ Land (phát hành 1.900 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng); Công ty TNHH Bất động sản Liên Lập (phát hành 1.470 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm, kỳ hạn 5 năm)…
Theo thống kê của VNDirect, tính chung 3 quý đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 167.983 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ đạt khoảng 147.180 tỷ đồng và phát hành ra công chúng đạt 20.803 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian qua có sự bứt phá mạnh, theo giới phân tích là do tác động từ việc sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã chính thức đi vào hoạt động.
Số liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, đã có 54 mã trái phiếu của 15 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị giao dịch bình quân khoảng 267 tỷ đồng/phiên.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao - cuộc chơi của các nhà đầu tư chuyên nghiệp |
Lãi suất cao lo rủi ro?
Theo tổ chức FiinRatings, cùng với sự phục hồi của hoạt động phát hành, hiện nay vấn đề lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng được thị trường quan tâm. Bởi mặt bằng lãi suất huy động của các NHTM trong các tháng vừa qua đã xuống mức khá thấp, nhưng lãi suất của nhiều lô trái phiếu vẫn được doanh nghiệp áp dụng ở mức khá cao, từ 12-15%/năm.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Sàn giao dịch Batdongsan.com.vn cho rằng, thời gian qua, một số công ty bất động sản do áp lực tài chính phải phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ. Vì thế họ chấp nhận lãi suất cao để có thể huy động được vốn, quay vòng dòng tiền, triển khai nhiều dự án dang dở cùng một lúc.
Luật sư Trần Văn Nhiên cho rằng, rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp phát hành là các trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có thư bảo lãnh thanh toán của TCTD. Hoặc nếu có thì tính pháp lý của tài sản khá yếu hoặc chủ yếu là quyền tài sản liên quan đến dự án, quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng kinh tế, cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành…
Thậm chí, một số doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết hoặc do doanh nghiệp có vi phạm trong việc phát hành, sử dụng vốn của trái phiếu nên buộc phải mua lại trước hạn. “Độ rủi ro của trái phiếu và tài sản đảm bảo cho trái phiếu cao thì doanh nghiệp phát hành phải đưa ra lãi suất cao mới có cơ hội huy động được vốn từ nhà đầu tư”, ông Nhiên nhận định.
Nhà đầu tư bớt “ham” lãi suất khủng Theo FiinRatings, hiện nay nhà đầu tư đã quan tâm hơn về các quy định của pháp luật, tìm hiểu kỹ thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh, cũng như đánh giá khả năng tài chính, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành. Yếu tố lãi suất lúc này đã không còn là then chốt để nhà đầu tư quyết định xuống tiền mua trái phiếu doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, với khoảng gần 168.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 3 quý đầu năm, chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì người mua chủ yếu là các tổ chức, định chế tài chính, NHTM. Nhóm nhà đầu tư này có kinh nghiệm và năng lực đánh giá rủi ro khá tốt nên sẽ lường được các rủi ro tiềm ẩn khi rót vốn. |
Quan sát từ thị trường, các chuyên gia tại VNDirect nhận định, hiện nay tình trạng chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn đang tăng mạnh. Tính đến đầu tháng 10/2023, theo thống kê của HNX đã có khoảng 70 công ty nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính trong 3 quý đầu năm, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này là khoảng 176.100 tỷ đồng. Trong số này phần lớn là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản.
Theo ghi nhận của các công ty chứng khoán, trong quý III vừa qua, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp giữa tổ chức phát hành và các trái chủ sôi động hơn. Các công ty như: R&H, Hưng Thịnh Land, Novaland, Signo Land… đều đã “khất nợ” thành công các lô trái phiếu đến hạn. Trên toàn thị trường, tính đến đầu tháng 10, đã có khoảng 95.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được các doanh nghiệp đàm phán gia hạn thanh toán thành công.
Tuy nhiên, trong quý IV/2023 vẫn sẽ có khoảng hơn 53.757 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các công ty bất động sản đến hạn phải thanh toán. Điều này cho thấy trong các tháng cuối năm, khi lộ trình giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn theo Thông tư số 08/2020/TT-NHNN được các NHTM áp dụng có thể áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp của các công ty bất động sản vẫn rất lớn, nhất là các doanh nghiệp đã phát hành các lô trái phiếu lãi suất cao trong các quý vừa qua.