Trăn trở với chất lượng khám chữa bệnh
Ông nói, “Đầu tiên về trách nhiệm chúng tôi đã làm hết sức mình. Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo hết sức quyết liệt. Tôi phải nói thế này, sự hi sinh của cán bộ y tế ở trong tất cả các địa bàn và sự cống hiến là hết sức đáng ghi nhận”.
Các bệnh viện tuyến trên thường xuyên cử các đoàn khám, chữa bệnh về các địa phương
Ông đã kể lại những trường hợp bệnh nhân trên bàn mổ cần tiếp máu, thì người hiến máu chính là các bác sĩ, y tá, nhân viên trong các khoa, trong bệnh viện, điều thường thấy trong sản khoa. Thậm chí, có những người hiến máu nhiều lần, không chờ đợi giấy chứng nhận, lời ngợi khen.
“Tôi là một giám đốc bệnh viện nhưng giám đốc bệnh viện các tỉnh còn làm việc hơn cả tôi”. Ông chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến các đồng nghiệp về tình trạng quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc của cán bộ nhân viên ngành y và cả những mặt trái của cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, Viện trưởng Trí còn nói thêm về thách thức và tai nạn nghề nghiệp.
Ông nói: “Tôi nói thật, một bệnh nhân bị sốc phản vệ không ai nói trước được điều gì. Một người bạn của tôi là phó giáo sư rất giỏi, tiêm thuốc cho ẹ, lúc sau bà cụ bị mất… Tôi đã từng làm việc ở Nhật Bản, ở đó tai nạn nghề nghiệp vẫn xảy ra. Tuy nhiên, sau khi sai sót xảy ra phải biết cách xử lý. Tôi không hứa mình không có sai sót, nhưng cố gắng hết mình trong nghề nghiệp phục vụ tốt người bệnh”.
Áp lực công việc, thách thức của nghề y hàng ngày, hàng giờ chất lên vai đối với mỗi y, bác sỹ dường như quá sức chịu đựng của họ. Và trong những thách thức áp lực nghề nghiệp, phải nói tới một áp lực, thách thức khác từ phía bệnh nhân và người nhà của họ.
Từ cách sử dụng những phương tiên công cộng như thang máy đến lời ăn tiếng nói, thái độ với y, bác sĩ và với nhân viên y tế rất thiếu ý thức. Rồi còn áp lực từ phương tiện truyền thông mà GS-T S Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã rất tâm tư rằng, “một số phương tiện truyền thông gọi bác sĩ là mày - không chấp nhận được.
Làm gì có bác sĩ vứt xác, chỉ có con người cụ thể. Người làm nghề y phải luôn tỉnh táo đầu óc để giảm thiểu những tai nạn nghề nghiệp.
Với tư cách bệnh nhân, GS.Đinh Xuân Dũng - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, phát biểu: Khi tôi đến bệnh viện điều trị, điều làm tôi kinh ngạc là lượng người đến khám, chữa bệnh quá đông, quá tải. Ở Bệnh viện 108, Bạch Mai, Việt Đức thì tới ba bốn người nằm chung một giường bệnh.
Chúng ta cần thông cảm cho các y, bác sĩ, khi vừa gọi tên một người đến lượt vào chiếu chụp, thì có từ 15 đến 20 người ào đến chật cứng ở cửa mà không lần lượt chờ đến tên mình... Để giải quyết bất cập cần phải có sự đột phá. Tôi rất mong Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cấp tiếp tục đầu tư thích đáng cho ngành y tế. Mấy năm nữa dân số tiếp tục tăng, cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi, với nhiều bệnh hiểm nghèo hơn, ngành y sẽ đối diện với nhiều thách thức phức tạp hơn.
Ông cũng đồng cảm và sẻ chia giữa người bệnh và cộng đồng đối với ngành y tế và nhắc lại lời Bác Hồ dạy: “Lương Y như từ mẫu”, “Thầy thuốc giỏi phải như mẹ hiền”. Những lời Bác dạy phải trở thành chiều sâu y đức. Giỏi mà không hiền cũng rất nguy hiểm, nhưng hiền mà không giỏi cũng không thể chữa được bệnh.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành y trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, như PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã đề cập đến những hạn chế bất cập của ngành khá thẳng thắn. Theo ông, nổi cộm nhất vẫn là vấn đề quá tải bệnh viện mà nguyên nhân quan trọng nhất là năng lực và kỹ thuật bệnh viện tuyến dưới yếu.
Thứ hai là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, vẫn còn có tiêu cực, gợi ý, gây khó khăn cho người bệnh. Mặt khác, thực trạng hiện nay là đầu tư cho y tế còn chưa đáp ứng được yêu cầu; vấn đề tài chính cho khám chữa bệnh còn có nhiều vấn đề bất cập: viện phí mới tính 3/7 yếu tố cấu thành.
Đã có những kiến nghị đưa ra rằng, “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. TS.Đinh Xuân Dũng phát biểu: Trong lĩnh vực y tế cần có ba yếu tố, đó là: Sự sẻ chia của người bệnh hết sức khách quan, cùng với tài năng của bác sỹ, là sự hỗ trợ của máy móc. Sự kết hợp của ba yếu tố đó sẽ kết hợp được hiệu quả kỳ diệu trong việc chữa bệnh.
Quan trọng hơn cả là những nụ cười mà người bệnh, các y bác sĩ dành cho nhau sẽ là một liều thuốc bổ cho bệnh nhân và là nguồn động viên với người thầy thuốc. “Tôi mong những người bệnh kìm nén những cái khó khăn của mình, những thách thức của mình hàng ngày, mà dành cho những người thầy thuốc sự cảm thông và sự chia sẻ. Đặc biệt, sự lạnh lùng nếu tồn tại trong ngành y thì không bao giờ chữa lành bệnh được”. Ông nói.
Hạnh Dung