Trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp tiến xa hơn
Nhờ đó, công ty đã tạo ra sự khác biệt đáng kể trong quy trình làm việc và đạt nhiều lợi ích, không chỉ giúp nhân viên nâng cao hiệu suất làm việc, mà còn tăng tính đồng bộ và độ chính xác cho quy trình nghiệm thu. "Từ đó giúp nâng cao chất lượng và tốc độ cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp", bà Hoàng Minh Phương, đại diện bộ phận Chuyển đổi số của Goldsun Focus Media cũng chia sẻ
Trong lĩnh vực giao thông, Lado taxi là một trong những doanh nghiệp ứng dụng tổng đài trí tuệ nhân tạo (AI Callbot). Giải pháp này cho phép hãng xe tự động tiếp nhận các cuộc gọi đặt xe, chuyển tới hệ thống tập trung và đặt lệnh điều xe tới đúng địa chỉ mong muốn chỉ trong thời gian ngắn. AI Callbot có thể hiểu đa ý định trong cùng một câu nói và phân tích được cảm xúc khách hàng qua đoạn hội thoại để nâng cao trải nghiệm, đáp ứng các nghiệp vụ như gọi xe, chăm sóc khách hàng, đặt lịch, tư vấn về chi phí... Đại điện đơn vị phát triển công nghệ này cho biết, AI Callbot hỗ trợ các doanh nghiệp tiết kiệm nguồn nhân lực và chi phí một cách tối đa, giảm 40% thời gian xử lý cuộc gọi trung bình, đồng thời gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng.
Không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, các công nghệ AI hiện nay còn giúp doanh nghiệp tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc Công nghệ của MoMo cho biết, doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu, AI và Deep Learning để giúp nhận diện người dùng và chống lại các thủ thuật giả mạo; điểm tín dụng được đánh giá bằng AI từ các hành vi tổng hợp trên hệ sinh thái MoMo. Hệ thống khuyến nghị được phát triển trên các dịch vụ sản phẩm đa ngành trên siêu ứng dụng kết hợp các mô hình AI tiên tiến và các yếu tố lịch sử hành vi, ngữ cảnh, thời gian, địa điểm… cho từng cá nhân và thời điểm cụ thể... Nhờ đó, theo báo cáo gần nhất, siêu ứng dụng MoMo chiếm 68% thị phần ví điện tử tại Việt Nam.
Vượt qua những rào cản
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động tiếp cận, ứng dụng AI từ rất sớm. Tuy nhiên, dù có những kết quả bước đầu khá tích cực nhưng doanh nghiệp Việt cũng đang đứng trước không ít khó khăn.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, tốc độ triển khai AI của Việt Nam vẫn còn chậm hơn so với thế giới. Khi ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ AI thì nhiều vị trí việc làm bị thay thế, các kỹ năng cũng đòi hỏi phải được cập nhật liên tục. Khi số hóa, quy trình quản lý trong doanh nghiệp cũng cần thay đổi hoàn toàn. Do đó, cần phải kết nối, tập trung phát triển công nghệ AI dựa trên các trụ cột chính bao gồm: nhân lực, hạ tầng tính toán, dữ liệu và thể chế, quy định, đạo đức cho ứng dụng AI.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trước những tác động của AI đến nguồn nhân lực.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Tuyển dụng nhân sự cấp cao và Tư vấn nhân sự của Manpower Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, khi tăng ứng dụng AI đồng nghĩa với việc yêu cầu về nguồn nhân sự chất lượng cao, am hiểu về công nghệ thông tin cũng sẽ tăng theo. Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng dự báo AI có thể thay thế 85 triệu vị trí việc làm vào năm 2025. Do vậy, người lao động cũng cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.