Triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Bám sát thực tiễn khi xây dựng chính sách
Tham dự phiên họp còn có các đồng chí là Tổ phó Tổ thường trực; thành viên thuộc Tổ thường trực tới từ các bộ, ngành liên quan; các đơn vị thuộc NHNN; đại diện 3 địa phương Hà Giang, Hà Tĩnh và Bạc Liêu…
Phó Thống đốcNguyễn Kim Anh phát biểu tại cuộc họp |
Mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính cải thiện đáng kể
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, các quan điểm và mục tiêu tại Chiến lược đã được xác định rõ căn cứ vào thực tiễn của Việt Nam, có sự gắn kết với mục tiêu và tầm nhìn chung của khu vực và quốc tế. Mục tiêu tổng quát được đặt ra là “mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”, trong đó, đã xác định được rõ phạm vi của các dịch vụ tài chính cơ bản, và các nhóm đối tượng ưu tiên là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, những người yếu thế như phụ nữ, người già, người khuyết tật, lao động di cư, và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Các giải pháp của Chiến lược đặt ra bao phủ toàn bộ các khía cạnh của tài chính toàn diện, gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển các tổ chức, kênh cung ứng và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính, hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cùa cơ sở hạ tầng tài chính, và giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Như vậy, “để các mục tiêu, cơ chế, chính sách mà chúng ta đặt ra thực sự phục vụ các đối tượng mục tiêu đòi hỏi cần phát huy vai trò và trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc nghiên cứu và bám sát tình hình thực tiễn, đặc thù của địa phương khi xây dựng chính sách, quy định cũng như hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Báo cáo nhanh về tình hình triển khai Chiến lược, bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho hay, khung khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện được tiếp tục hoàn thiện như ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương; quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money; quy định cho phép mở tài khoản bằng phương thức điện tử (e-KYC), không cần gặp mặt trực tiếp; hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc nhà nước (KBNN); điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch qua hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng; ban hành các thông tư tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; Quyết định kéo dài chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đến 31/12/2021. Bên cạnh đó, nhiều dự thảo nghị định cũng đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng…
Cũng theo bà Hoà, với những nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp trong năm 2020 đã có sự cải thiện đáng kể. Có thể minh chứng bằng một số chỉ tiêu như tính đến 31/12/2020, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân, tổ chức tại tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 104,2 triệu tài khoản; số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM/100.000 dân số trưởng thành tiếp tục tăng (9/2020 đạt 17 chi nhánh, phòng giao dịch); Số lượng ATM tăng 2,34%, máy POS giảm 0,53% (do xu hướng phát triển thanh toán qua QR Code) so với năm 2019; giá trị thanh toán qua ATM và POS tăng tương ứng là 0,43% và 2,4% so với năm 2019. Thanh toán bằng QR Code đạt tốc độ tăng trưởng mạnh với hơn 90.000 điểm chấp nhận trên toàn quốc.
Đến cuối năm 2020, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 11,52% so với cuối năm 2019, chiếm 24,78% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế; dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,55% so với cuối năm 2019, chiếm 19,79% dư nợ tín dụng nền kinh tế; dư nợ đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tăng 11,1% so với cuối năm 2019. Các nhóm đối tượng như dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được chú trọng với nhiều giải pháp chính sách ưu tiên; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, được số hóa, rút ngắn thời gian giao dịch, giảm đáng kể chi phí sử dụng dịch vụ cho người dân.
Toàn cảnh phiên họp |
Tích cực, chủ động, sáng tạo
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhìn nhận, trải qua năm đầu tiên triển khai Chiến lược, mặc dù đã đạt được một số thành tựu, kết quả bước đầu đáng ghi nhận nhờ sự nỗ lực của các cơ quan tham gia, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần sớm được nhìn nhận, khắc phục và cải thiện. Bởi vậy, việc các thành viên cùng nhau phối hợp rà soát, đánh giá và thảo luận phương hướng triển khai Chiến lược trong thời gian tiếp theo một cách thuận lợi và hiệu quả hơn là vô cùng quan trọng. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết và quan trọng để Tổ thường trực báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo để có được định hướng hoạt động và chỉ đạo kịp thời ở cấp cao.
Tại phiên họp, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN, Tổ phó Tổ thường trực cũng đã thông báo dự thảo Phân công nhiệm vụ các thành viên Tổ thường trực trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ mà các ngành đã được giao và Kế hoạch hoạt động dự kiến của Ban Chỉ đạo và Tổ thường trực trong năm 2021.
Thảo luận tại phiên họp, cơ bản nhất trí cao về nội dung Báo cáo, Phân công nhiệm vụ và Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ thường trực năm 2021, các đại biểu tham dự, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi về những khó khăn, thách thức để cùng tìm ra giải pháp khắc phục nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động Ban chỉ đạo và hiện thực hóa các mục tiêu về tài chính toàn diện đã đặt ra thời gian tới.
Lắng nghe các trao đổi từ phía các đại biểu, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế rà soát đảm bảo không bỏ trống và bỏ sót bất cứ nhiệm vụ nào phù hợp gắn với các nhiệm vụ của bộ ngành và địa phương. Để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược và thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo, Phó Thống đốc đề nghị các đồng chí thành viên Tổ Thường trực và các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Tổ Thường trực theo Quy chế hoạt động, kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ đã thống nhất.
Theo đó, với việc triển khai chiến lược, các thành viên cần nắm vững quan điểm cũng như những nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược. Tích cực, chủ động, sáng tạo thực thi có hiệu quả các kế hoạch đã đặt ra; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí phù hợp; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để gia tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Tham mưu tổ chức theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của cơ quan, địa phương mình hàng năm và từng giai đoạn.
Trong đó, đánh giá kết quả đạt được, nhận diện những tồn tại, hạn chế để có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra. Tham mưu tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và phối hợp cung cấp các số liệu liên quan gửi NHNN để tổng hợp, xây dựng các báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chiến lược và các hoạt động liên quan về tài chính toàn diện.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu thành viên Tổ Thường trực và các Vụ, Cục liên quan thuộc NHNN chủ động tham mưu xây dựng quy trình theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược theo định kỳ hàng năm và từng giai đoạn.
“Đề nghị các đồng chí thành viên Tổ Thường trực chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ và phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong quá trình tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Chiến lược; đề nghị các địa phương đồng hành cùng các bộ ngành nỗ lực triển khai Chiến lược và chủ động, thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin với Tổ thường trực và Ban chỉ đạo để có sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhận thấy tầm quan trọng của tài chính toàn diện và để chỉ đạo, điều phối và đôn đốc các hoạt động liên quan tới tài chính toàn diện ở cấp độ quốc gia, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả và đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động về tài chính toàn diện, trong đó bao gồm việc triển khai Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện do Thủ tướng làm Trưởng ban, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) làm Phó trưởng Ban, với sự tham gia của 16 bộ ngành, cơ quan và giao NHNN thành lập Tổ thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo. |