Triển khai Dự án vành đai 3, vành đai 4: Động lực cho phát triển bứt phá
Đây là ý kiến được đưa ra từ Toạ đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá” vừa được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay (4/5).
Thời điểm chín muồi
Xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước ta đề ra trong một loạt đại hội và được khẳng định trở lại tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Có cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông thì không chỉ cuộc sống của người dân được cải thiện mà nền kinh tế cũng phát triển đột phá. Tuy nhiên trong 20 năm qua, mới chỉ xây dựng được 1.000 km đường cao tốc mà mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025 là xây dựng được 2.000 km đường cao tốc.
Phát biểu tại Toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, trên thực tế, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành hai tuyến đường vành đai số 3 TP.HCM và số 4 TP.Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý. Đến nay, cơ bản đủ điều kiện cũng như công nghệ để triển khai.
“Tôi cho rằng, thời điểm hiện nay đã chín muồi, mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt sự đột phá nhất định”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Các khách mời tham dự toạ đàm. Ảnh: VGP |
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Trần Đình Thiên nhận định, quyết định làm hai đường vành đai xuất phát từ quan điểm thực tiễn cấp bách. Do thiếu đường giao thông mà cụ thể là ở tuyến đường vành đai, hai trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam suốt thời gian dài tắc nghẽn giao thông, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hoá hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ. Không chỉ có Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới.
Đối với riêng Hà Nội, còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía đông nam Thủ đô. Đồng thời, phía nam Thủ đô cũng kết nối với một phần rất quan trọng là Cao tốc đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam kết nối với vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội.
Vành đai 4 cho phép điều hoà hệ thống cao tốc và giảm tải cho cao tốc vành đai 3, trở thành đường trên cao đô thị, mở ra điều kiện để kết nối 5 đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội, kết nối trục đô thị của vùng Thủ đô Hà Nội.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cũng cho rằng, vành đai 3 TPHCM có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng kết nối bốn địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc triển khai tuyến đường này sẽ giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo dãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp; tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ Đông sang Tây; hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Nút thắt” lớn nhất là giải phóng mặt bằng
Tuy nhiên, để có thể triển khai hai “siêu dự án” này cũng còn đó không ít khó khăn. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất của Dự án trọng điểm quốc gia vành đai 4 Vùng Thủ đô là công tác giải phóng mặt bằng. Kinh nghiệm cho thấy về giải phóng mặt bằng, ngay như đối với vành đai 4 Vùng Thủ đô hiện nay, cơ cấu tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng chiếm chưa tới 25%, nhưng đối với vành đai 3 TPHCM có khả năng chiếm trên 50%. Do đó việc giải phóng mặt bằng càng để chậm càng nguy cơ. Chắc chắn việc giải phóng mặt bằng không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm.
Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính Dương Bá Đức cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng cũng là công tác rất vướng, nếu giải quyết được mặt bằng ổn thì thi công sẽ rất tốt. Giải phóng mặt bằng là nút thắt cho tất cả các dự án, đây là sức ép cho các địa phương. Từng địa phương phải đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, khi sử dụng số vốn chưa được thực hiện thì chuyển cho chỗ khác, tránh tình trạng tắc nghẽn nguồn vốn, giải phóng nguồn vốn, đó là linh hoạt. Việc này rất cần thiết, nếu đạt được tính chủ động trong giải phóng mặt bằng thì hiệu quả của dự án sẽ rất cao.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, khi đặt vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 2 dự án vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 TP.Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng được đặc biệt quan tâm. Trong các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù, với công tác giải phóng mặt bằng, ngoài việc tách ra là dự án độc lập, thực hiện trước và sớm thì có thêm cơ chế cho phép chỉ định thầu một số nội dung công tác giải phóng mặt bằng.
Hai công việc chủ chốt áp dụng hình thức chỉ định thầu đó là: Một là di dời các hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cần phải giải phóng, cụ thể là hạ tầng về điện, nước, viễn thông… tất cả hạ tầng này yêu cầu về mặt chuyên ngành rất cao, thường các đơn vị liên quan trực tiếp đến ngành, lĩnh vực đó mới có thể thực hiện được.
Việc thứ hai là tái định cư. Để di dời các hộ gia đình, phải xây dựng các khu tái định cư. Việc xây dựng khu tái định cư bắt buộc phải làm rất nhanh để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nếu làm chậm công tác này, đất đã lấy của người dân rồi mà người dân vẫn chưa có nơi ở ổn định thì rất bất cập. Đó là điều hết sức quan tâm trong giải phóng mặt bằng. Việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng cũng được kỳ vọng là rút ngắn thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, ở hai dự án này, công tác giải phóng mặt bằng còn khó hơn rất nhiều lần, quy mô lớn, giá trị cao. Do vậy, ngoài chỉ định thầu có thể rút ngắn được tiến độ thì công tác điều hành, quản lý, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cũng không kém phần quan trọng. Tất cả điều đó tổng hòa giúp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.