Triển khai quyết liệt hơn nữa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chủ trì hội nghị |
Giảm lãi suất, cơ cấu nợ trên 4.300 tỷ đồng
Ông Trương Quang Dũng, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2020 các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với trên 1.000 khách hàng với tổng dự nợ khoảng 4.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng 1-2% cho hơn 2.900 khách với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Qua rà soát từ các TCTD và phản ánh từ phía DN, khách hàng vay vốn, hiện nay mặc dù các NHTM hết sức tích cực trong việc hỗ trợ DN nhưng thời gian qua cũng gặp một số khó khăn khi triển khai Thông tư 01/2020 của NHNN.
Cụ thể, về phía NHTM hiện nay việc hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ DN mất thời gian do phải xây dựng nhiều kịch bản về thời điểm kết thúc dịch bệnh và cân nhắc đưa ra các mức hỗ trợ. Về phía khách hàng, do việc chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 không dễ nên nhiều hồ sơ đề nghị hỗ trợ không hoàn thiện theo quy định.
Một số DNNVV chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các TCTD trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.
Trong khi đó, về phía địa phương do hiện nay chính quyền chỉ xác nhận khách hàng có cư trú trên địa bàn mà không xác nhận mức độ thiệt hại do dịch Covid-19. Vì thế, các TCTD rất khó để hoàn thiện hồ sơ cơ cấu nợ hoặc giảm lãi suất, cho vay mới.
Tại hội nghị, ông Bùi Gia Nên, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bình Phước cho rằng, việc các NHTM thời gian qua tích cực hỗ trợ DN với dư nợ được hỗ trợ lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng như vậy là hết sức quý giá trong bối cảnh hầu như DN nào cũng bị thiệt hại do dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bình Phước là tỉnh có nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, các DNNVV ở các khu vực hầu hết đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Vì vậy, ông Nên mong muốn các NHTM tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ các DN tiếp cận nhanh hỗ trợ về lãi suất và cơ cấu nợ.
Đồng quan điểm ông Trần Hoàng Ý, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Bình Phước cho rằng, hiện nay do đặc thù kinh doanh theo mùa vụ và chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu nên vốn vay ngân hàng có vai trò rất quan trọng đối với các DN ngành điều. Thời điểm trước khi có dịch xảy ra, các DN cũng đã vay vốn để nhập khẩu nguyên liệu khá nhiều nhưng chưa kịp xuất khẩu thì đã xảy ra dịch nên nếu các khoản vay không được giãn nợ thì hàng trăm DN nhỏ trong lĩnh vực chế biến hạt điều sẽ gặp khó.
"Các ngân hàng nên đề xuất kéo dài thời gian hỗ trợ để đồng hành, sát cánh với DN, do các tháng tới có thể cũng còn rất khó khăn về thị trường và các DN chưa thể khôi phục được sức khỏe tài chính như thời điểm trước khi có dịch", ông Ý mong muốn.
Cam kết bao phủ chính sách đến tất cả khách hàng
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ghi nhận các kiến nghị của cộng đồng DN.
"Thông tư 01 của NHNN đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung", ông Hùng thông tin thêm và cho rằng, với các kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ NHNN sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng để đưa ra quy định phù hợp. Riêng đối với các DNNVV và các hộ kinh doanh ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM đóng trên địa bàn quan tâm sâu sát, đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhanh chóng nhất để mọi khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ của Thông tư 01 đều nhận được các ưu đãi về tài chính và chia sẻ của ngành Ngân hàng.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, theo ghi nhận của địa phương, từ đầu năm đến nay cả hệ thống NHTM và các DN, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn đều đã rất tích cực trong việc hỗ trợ lẫn nhau vượt qua dịch bệnh.
Việc kết nối trực tiếp giữa các ngân hàng với DN đã thực hiện thời gian qua phần nào giúp cộng đồng DN tại Bình Phước vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục chỉ đạo tất cả các sở ngành cùng vào cuộc, chủ động tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khi triển khai các gói tín dụng, gói tài khóa của Chính phủ để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Do địa bàn nhiều huyện tại Bình Phước kinh tế còn khó khăn, UBND sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để bổ sung vào các quỹ ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ hiệu quả nhất cho các DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kết luận tại hội nghị Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, các giải pháp đồng hành cùng DN của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt. Trên cơ sở các kiến nghị của cộng đồng DN trong các hội nghị kết nối mà NHNN đã thực hiện trong suốt gần 1 tháng vừa qua, Thông tư 01 sẽ được chỉnh sửa cho phù hợp với mục tiêu chia sẻ tối đa những khó khăn đối với khách hàng.
Riêng tại địa bàn tỉnh Bình Phước, Phó Thống đốc đề nghị Chi nhánh NHNN và hệ thống NHTM bám sát các chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục các chương trình hỗ trợ, giải ngân các gói vay ưu đãi lãi suất và đặc biệt quan tâm đến các DNNVV ở các vùng kinh tế còn khó khăn. Kết hợp cả Thông tư 01 với các chính sách tín dụng ưu đãi khác như Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ để tạo ra cơ hội tốt hơn cho các khách hàng tiếp cận sự hỗ trợ, vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.