Triển lãm Quốc tế Thực phẩm và đồ uống tại Hà Nội
Ngành thực phẩm và đồ uống hồi phục trong khó khăn Ngành đồ uống sẽ có lợi khi áp dụng kinh tế tuần hoàn Ngành thực phẩm - đồ uống đối mặt nhiều thách thức |
Cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống & Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 9. |
Ngày 8/11/2023, đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống & Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây và đặc biệt là sự phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19. Đây là một trong những ngành được các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đánh giá lạc quan là có nhiều triển vọng phát triển về quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo dự báo của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 - 2027 đạt khoảng 8,22%/năm.
Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm – Đồ uống & Thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống tại Hà Nội sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 8 đến 11/11/2023 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE - 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Với tổng diện tích trưng bày 5.000m2, triển lãm thu hút 250 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia, tạo cơ hội để tiếp cận các đối tác tiềm năng và mở ra những thỏa thuận kinh doanh quan trọng.
Đây thực sự là một bước tiến quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Việt Nam ra thị trường thế giới và cũng là cơ hội tốt để nhập khẩu các sản phẩm và công nghệ mới, từ đó thúc đẩy sự đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn cung ứng trong ngành thực phẩm và đồ uống của tại Việt Nam.
Bên cạnh những sản phẩm thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, triển lãm nổi bật với khu gian hàng trưng bày thiết bị và máy móc công nghệ chế biến hiện đại. Điều này mở ra cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các công nghệ tiên tiến và hiệu quả để tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Khu vực trưng bày cũng tập trung vào các nguyên liệu phụ gia thực phẩm đa dạng, giúp cho các nhà sản xuất và đầu bếp có thêm nguồn tài nguyên để sáng tạo và đáp ứng sự đa dạng về hương vị và xu hướng của thị trường.
Bà Chu Hội - Giám đốc kinh doanh Công ty Tân Nhất Hương chia sẻ: “Chúng tôi đã tham gia triển lãm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ năm 2017 đến nay. Mỗi năm chúng tôi đều tham gia từ 6-8 gian hàng. Tôi nhận thấy khách hàng Việt Nam đang dần hình thành thói quen tìm kiếm đối tác qua các triển lãm giao thương nhiều hơn. Rất nhiều khách hàng tới tham quan gian hàng của chúng tôi, trải nghiệm trực tiếp sản phẩm, ký kết nhiều đơn hàng mới”.
Nổi bật tại Triển lãm là Khu gian hàng Hàn Quốc hứa hẹn sẽ hấp dẫn đông đảo khách tham quan với các sản phẩm đặc trưng của xứ sở kim chi như bánh gạo, rong biển, hồng khô, hồng sâm và các dòng sản phẩm chế biến từ sâm, hải sản khô và đông lạnh…
Bên cạnh đó, Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) là tổ chức thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy Sản Na Uy, hợp tác và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đại diện cho các nhà xuất khẩu ngành thủy sản tham gia khu gian hàng trong triển lãm.