Triển vọng, áp lực và thách thức
Trong lo lạm phát, ngoài lo suy giảm
Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất của Khối nghiên cứu toàn cầu thuộc Tập đoàn HSBC công bố ngày 6/1 cho biết, với mức tăng trưởng GDP 7,02% trong năm 2019, Việt Nam một lần nữa trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN. Bên cạnh đó, một số rủi ro trong nước được kiểm soát tốt hơn so với các năm trước.
Một số dự báo của Viện Nghiên cứu BIDV |
Tuy nhiên báo cáo này cho rằng, nền kinh tế cũng đang đối mặt với một số thách thức. Trong ngắn hạn, rủi ro trong nước cần chú ý nhất là lạm phát. Dù lạm phát 2019 ở mức thấp nhất trong 3 năm nhưng việc giá thịt lợn tăng mạnh gần đây đang gây áp lực lên lạm phát trong năm nay. Theo đó, HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát sẽ ở mức 3,8% trong năm 2020 (tăng 0,3% so với dự báo trước đó). Dù ở mức này, lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu đề ra, nhưng là mức tăng khá mạnh so với năm 2019. Theo các chuyên gia HSBC, điều này không chỉ gây áp lực hơn cho NHNN trong điều hành, mà còn làm hạn chế những nỗ lực của Chính phủ trong triển khai các lộ trình cải cách với mặt hàng Nhà nước quản lý giá như lộ trình tăng giá dịch vụ y tế.
Đồng thời, Việt Nam sẽ không miễn nhiễm trước tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2020. Trên thực tế, những dấu hiệu chậm lại gần đây trong lĩnh vực sản xuất đã cho thấy điều này. Chỉ số sản xuất công nghiệp đã chậm lại, nhất là trong hai tháng cuối năm 2019. Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 12/2019 cũng giảm nhẹ xuống 50,8 điểm từ 51,0 điểm vào tháng 11. Mặc dù các đơn đặt hàng mới có sự tăng trưởng nhanh chóng nhưng cả sản lượng chung và đơn hàng xuất khẩu mới đều giảm xuống dưới mức 50, báo hiệu nhu cầu từ bên ngoài giảm.
Mặc dù được coi là một trong những nước hưởng lợi chính từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, những cơn gió ngược bên ngoài vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Là một nền kinh tế có xuất khẩu vượt quá 100% GDP (mặc dù có hàm lượng nhập khẩu đáng kể), điều này khiến nền kinh tế rất dễ bị ảnh hưởng khi nhu cầu của ba thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (Mỹ, Trung Quốc và EU) dự báo giảm”, báo cáo nhận định.
Thách thức và xu hướng khả quan
Những thách thức nêu trên cũng phần nào được đề cập trong báo cáo vĩ mô 2019 mà Viện Nghiên cứu BIDV vừa công bố. Cụ thể, báo cáo này nhận định hiện có 3 thách thức lớn từ bên ngoài đến đối với kinh tế Việt Nam, gồm: Căng thẳng thương mại giữa các nước lớn vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; Sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, nhất là các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, khu vực châu Âu, Nhật Bản…; Rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đang diễn biến khó lường. “Những rủi ro này có tác động đến thương mại, đầu tư và áp lực tỷ giá, lạm phát của Việt Nam”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, báo cáo của Viện Nghiên cứu BIDV cũng đưa ra 7 thách thức từ nội tại nền kinh tế hiện nay, bao gồm: Tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; Tăng trưởng chậm lại của ngành nông nghiệp do xuất khẩu nông sản khó khăn hơn, cộng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch tả lợn châu Phi; Sản xuất công nghiệp không còn tích cực như năm 2018; Cải cách thể chế còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn thị trường; Khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài vẫn còn mỏng trong khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn; Một số thị trường xuất hiện dấu hiệu rủi ro (như trong lĩnh vực bất động sản, thị trường trái phiếu DN…); Một số vấn đề xã hội gây bức xúc thời gian qua, nhất là tai nạn giao thông nghiêm trọng, đầu tư tiền ảo đa cấp, tín dụng đen, ô nhiễm môi trường…
“Dù kinh tế năm 2020 tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức, rủi ro nêu trên như với quyết tâm và kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn duy trì xu hướng khả quan, có thể đạt khoảng 6,7-6,9%; CPI bình quân dự báo sẽ được kiểm soát ở mức khoảng 3,3-3,6%; Xuất khẩu dự báo tăng khoảng 9%; Lãi suất, tỷ giá cơ bản sẽ tiếp tục ổn định và tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức vừa phải, khoảng 12-13%”, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết.
Trong khi đó, theo chuyên gia Yun Liu của HSBC, trong những năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy nhiều cải cách để hỗ trợ tăng trưởng cao bền vững. “Trong năm 2020, chúng tôi cho rằng cần phải tiếp tục các cải cách này để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức kinh tế. Một số cải cách cấp thiết bao gồm thông qua Luật PPP, áp dụng các tiêu chuẩn Basel II theo Thông tư 41 cho tất cả các ngân hàng và cải thiện công bố dữ liệu kinh tế để đánh giá và quản lý rủi ro tốt hơn.
“Áp lực lạm phát gia tăng có thể làm phức tạp hơn cho các quyết định của Ngân hàng Trung ương. Ban đầu, chúng tôi dự kiến NHNN có thể cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm phần trăm trong quý II/2020. Tuy nhiên, với đà tăng lạm phát hiện nay, chúng tôi dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức trên 4% trong nửa đầu năm 2020, trước khi giảm xuống dưới 4% từ quý III. Do đó, hiện tại chúng tôi dự báo NHNN có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất đến quý III/2020 khi lạm phát bắt đầu giảm trở lại. Đồng thời, lạm phát gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực của Chính phủ để tiếp tục cải cách y tế theo lộ trình tăng giá dịch vụ đã đặt ra”, bà Yun Liu – Chuyên gia kinh tế của Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của Tập đoàn HSBC.