Triển vọng khả quan của cổ phiếu ngân hàng năm 2024
Cổ phiếu ngân hàng: Chất lượng tài sản là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư Tìm động lực cho thị trường chứng khoán những tháng cuối năm |
Tăng trưởng tích cực, “kéo” cổ phiếu đi lên
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, nhóm ngành này cũng được kỳ vọng phục hồi, thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế chưa được như mong đợi do tăng trưởng kinh tế suy giảm, tín dụng tăng trưởng chậm. Nhất là từ đầu năm đến nay để chia sẻ với doanh nghiệp, nền kinh tế, các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay; tốc độ giảm lãi suất cho vay nhanh hơn lãi suất huy động khiến cho NIM ngày càng thu hẹp… Tất cả điều này tác động đến kết quả kinh doanh của ngân hàng thấp hơn so với năm trước, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Cổ phiếu ngân hàng được dự báo triển vọng lạc quan trong năm 2024 |
Song những tháng cuối năm 2023 nhất là năm 2024 nghiên cứu từ các công ty chứng khoán (CTCK) và giới chuyên môn kỳ vọng nhiều gam màu sáng đối với cổ phiếu ngân hàng. Theo đánh giá của CTCK BIDV (BSC), tín dụng toàn hệ thống có thể bứt tốc trong các tháng cuối năm. Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12% và cải thiện lên 13-14% trong năm 2024. Thu nhập lãi thuần sẽ là động lực tăng trưởng chính với kỳ vọng NIM cải thiện và tín dụng tăng tốc theo tính chu kỳ trong quý IV/2023.
Cũng có góc nhìn lạc quan, ông Trần Tánh - Trưởng phòng phân tích đầu tư CTCK Yunata cho biết, sang năm 2024 có thể kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023 nhờ tăng trưởng tín dụng cải thiện. Theo đó, dự báo năm 2024 khi kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu tăng tốt hơn, doanh nghiệp nhiều đơn hàng triển vọng kinh doanh tốt hơn. Bên cạnh đó, thị trường BĐS phục hồi có thể tạo sức lan tỏa cho nhiều ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất…, tạo sức bật cho tín dụng toàn thị trường. Khi mảng kinh doanh chính của ngân hàng tăng trưởng tích cực sẽ giúp cho kết quả hoạt động ngân hàng khởi sắc hơn.
Yếu tố thứ hai là biên lãi thuần (NIM) sang năm 2024 cũng sẽ được cải thiện khi chi phí vốn giảm dần do mức lãi suất trung bình sẽ thấp hơn. Còn về thu nhập từ phí dù không thể tăng trưởng mạnh như những năm trước nhưng cũng tốt hơn so với năm 2023 từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như thanh toán…
Ông Đinh Đức Minh- Chuyên gia VinaCapital cũng cho rằng, năm sau các ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp khách hàng của ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt hơn. Các ngân hàng cũng có thể giải quyết được các vấn đề về nợ xấu tốt hơn. Vì khi kinh tế tốt lên, thanh khoản trên thị trường BĐS được cải thiện, các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn, nợ xấu theo đó cũng sẽ giảm. “Tôi nghĩ nhóm ngân hàng có thể là nhóm có diễn biến tích cực vào cuối năm nay cho đến năm sau”, ông Minh nhận định.
Giải quyết những yếu tố nội tại nền kinh tế
Các chuyên gia đều kỳ vọng, quý III/2023 là đáy của khó khăn, tín dụng sẽ cải thiện tốt hơn vào cuối năm và sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2024 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Những kỳ vọng trên hoàn toàn có cơ sở. Số liệu tháng 10 cho thấy, xuất khẩu đang tăng trưởng trở lại, ba thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có dấu hiệu tích cực, đặc biệt là sự phục hồi của thị trường châu Âu và Mỹ. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm tới đạt 8-10% trong kịch bản tích cực. Cầu tiêu dùng nội địa đang hồi phục cũng sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng.
Tuy vậy, tất cả vẫn là kỳ vọng. Kinh tế phục hồi hay không phụ thuộc rất nhiều vào sức cầu và sự phục hồi của kinh tế thế giới. Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhận định, rủi ro với nền kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn còn lớn do cả những yếu tố nội tại nền kinh tế Việt Nam và cả các yếu tố bên ngoài. Cụ thể, triển vọng hồi phục các nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam nhất là Mỹ và Trung Quốc chưa rõ trong bối cảnh môi trường lãi suất quốc tế ở mức rất cao làm ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và cầu về xuất khẩu.
Cùng với đó, vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam, theo ông Thuân chính là thị trường BĐS có thể đóng băng dài hơn dự kiến nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả. Chủ tịch FiiGroup cho rằng, tín hiệu hồi phục của thị trường BĐS sẽ đến khi hài hòa được lợi ích của 3 bên: chủ đầu tư, ngân hàng và cơ quan quản lý. Khi nào chủ đầu tư giảm giá, ngân hàng giảm lãi suất và cơ quan quản lý đồng hành tạo điều kiện trên diện rộng, hỗ trợ pháp lý khi đó thị trường mới có động lực hồi phục rõ rệt hơn.
Dù khó có đột phá, song cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá là nhóm ngành phù hợp để “tránh bão” vì có nhiều điểm sáng như chất lượng tài sản có thể cải thiện, tín dụng có thể tăng trưởng tốt hơn. Môi trường lãi suất thấp được kỳ vọng duy trì sang 2024 tạo dư địa để NIM phục hồi, nhờ đó giúp tăng trưởng lợi nhuận 2024 trở nên khả quan hơn, trong khi định giá của ngành vẫn đang ở mức hấp dẫn. Theo BSC, định giá của ngành hiện đang duy trì quanh mức trung bình kể từ 2016 đến nay. Đây vẫn là mức phù hợp để tích lũy với triển vọng lợi nhuận tạo đáy sau năm 2023 và phục hồi từ năm 2024.
Chung quan điểm chuyên gia chứng khoán Đinh Đức Minh cũng cho rằng, hầu hết các ngân hàng hiện tại có mức định giá tương đối thấp so với lịch sử, ngoại trừ 2 ngân hàng định giá cao là Vietcombank và BIDV. Còn các ngân hàng khác, giá trị P/B đâu đó ở mức 0,8-1,2 lần - là mức định giá khá hấp dẫn.
Đồng quan điểm, CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định, trong ngắn hạn, ngành Ngân hàng sẽ phải đối diện với những khó khăn từ “làn gió ngược” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và
Bancassurance khiến nguồn thu từ mảng tư vấn và bảo hiểm cần thêm thời gian chờ đợi thị trường hồi phục. Dù vậy vẫn có những điểm sáng về triển vọng Ngành. Mức P/B toàn ngành hiện chỉ đang tương đương với giai đoạn 2016. “Với những tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành, cổ phiếu ngân hàng nên được tái định giá ở mặt bằng cao hơn. Nhà đầu tư có thể tiếp tục tích luỹ dài hạn đối với nhóm cổ phiếu này khi thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh”, các chuyên gia KBSV đánh giá.