Triển vọng lãi suất ra sao?
Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm |
Ông đánh giá thế nào về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN từ đầu năm đến nay?
Có thể nói từ đầu năm đến nay, NHNN chịu nhiều sức ép trong điều hành chính sách tiền tệ, “đau đầu” giải bài toán tỷ giá, lãi suất. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, thì NHNN vẫn phải duy trì lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Khi lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD trên thị trường tài chính quốc tế và chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền này nới rộng sẽ khiến tâm lý đầu cơ USD quay lại, gây khó khăn cho việc cân đối cung cầu ngoại tệ, tạo sức ép lên tỷ giá.
Hồi đầu năm, tôi cũng đã nghĩ rằng NHNN nên có sự điều chỉnh tăng lãi suất điều hành để “bảo vệ” tỷ giá, thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Bởi tỷ giá là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền mà còn nhiều vấn đề lớn khác, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, tác động đến xuất, nhập khẩu, kiểm soát lạm phát, niềm tin của nhà đầu tư... Tuy nhiên, NHNN đã có động thái can thiệp thị trường phù hợp khi liên tục hút ròng qua kênh tín phiếu để giảm dư thừa VND trong hệ thống, điều chỉnh tăng các loại lãi suất trên thị trường mở, đồng thời bán ngoại tệ hỗ trợ thanh khoản đảm bảo đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp. Và điều may mắn nữa là đầu tháng 9, Fed đã đảo chiều chính sách tiền tệ khi quyết định cắt giảm lãi suất tới 0,5%, giúp vơi đi rất nhiều sức ép lên tỷ giá.
Tất cả yếu tố trên đã giúp NHNN đạt được kết quả như mong muốn trong điều hành chính sách tiền tệ: Vừa giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, vừa duy trì ổn định tỷ giá, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng. Có thể nói từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với bối cảnh kinh tế.
Áp lực tỷ giá vơi đi, liệu có tạo thêm dư địa để giảm lãi suất không, thưa ông?
Tôi nghĩ là khó. Bởi hiện tại tuy tốc độ tăng lãi suất huy động của các ngân hàng đã chậm lại, nhưng nó vẫn duy trì ở mức cao so với đầu năm. Từ thời điểm này, cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh vào những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt chỉ tiêu cho cả năm, nên mức vay ngân hàng cũng tăng theo. Kết quả là các ngân hàng muốn đáp ứng nhu cầu vay cao sẽ phải có mức lãi suất hấp dẫn để hút vốn. Do vậy, lãi suất phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Vấn đề nữa có thể cản trở đến khả năng giảm lãi suất đó là nợ xấu. Khi nợ xấu tăng, các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Cộng hưởng các yếu tố trên có thể khiến lãi suất huy động khó giảm. Khi lãi suất đầu vào vẫn ở mức cao thì khó đòi hỏi lãi suất cho vay giảm thêm nhiều. Vì vậy, tôi cho rằng dù NHNN vẫn đang triển khai nhiều giải pháp để duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhưng dư địa giảm lãi suất của các ngân hàng rất hạn hẹp.
Từ những phân tích trên, theo ông cần có giải pháp gì để thị trường thiết lập mặt bằng lãi suất tốt hơn trong thời gian tới?
Như tôi phân tích ở trên, nếu chỉ trông chờ các ngân hàng tự tiết giảm chi phí đầu vào, chi phí hoạt động thì để giảm thêm lãi suất là khó. Trong khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở miền Bắc bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão Yagi cần được hỗ trợ lãi suất nhiều hơn.
Vậy nên muốn có mặt bằng lãi suất tốt hơn, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng. Đơn cử, Chính phủ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) với lãi suất thấp có thể tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất nói chung và tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất. TPCP thường được coi là tài sản an toàn với hệ số rủi ro bằng 0 và lãi suất của chúng thường trở thành lãi suất tham chiếu cho các khoản vay khác trong nền kinh tế. Khi lãi suất TPCP giảm, các ngân hàng sẽ có xu hướng điều chỉnh lãi suất cho vay xuống theo. Khi Chính phủ phát hành TPCP với lãi suất thấp, chi phí huy động vốn cho các TCTD cũng giảm, cho phép họ giảm lãi suất cho vay mà vẫn đảm bảo biên lợi nhuận...
Xin cảm ơn ông!