Triển vọng ngành thép “sáng” hơn trong năm 2023
Rủi ro giảm giá vẫn còn trong nửa cuối 2022
Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, hiện có một số chính sách đáng chú ý tác động đến ngành thép như Nghị định 101/2021/NĐ-CP được ban hành có nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm từ 5 - 10% sau ngày 30/12/2021. Tuy nhiên, tác động của chính sách là không quá lớn khi đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung và chuyển hướng thành quốc gia nhập khẩu thép.
Bên cạnh đó, Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc từ 1/2/2022.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, việc EU chính thức áp quota đối với sản phẩm thép tấm của Việt Nam ảnh hưởng khá tiêu cực đối với doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nằm ở danh sách “các nước khác” với mức quota cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng và tăng 4% trong 2 năm tới. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn mạ kẽm nhúng nóng, chiếm 45% hạn ngạch, vì vậy triển vọng sẽ kém tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ đặc biệt là đơn vị tập trung vào thị trường EU như Nam Kim.
Nhận định về triển vọng ngành thép, các chuyên gia kinh tế cho biết, rủi ro giảm giá thép còn hiện hữu trong nửa cuối năm 2022 khi giá thép tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Giá thép thanh tại Việt Nam sau khi đạt đỉnh ở mức 19.000 đồng/kg vào quý I/2022 đã liên tiếp lao dốc giảm 13 lần và chạm mốc 15.700 đồng/kg vào tháng 8/2022. Tình trạng này đến từ áp lực giảm giá theo giá thép thế giới; chi phí sản xuất thép sụt giảm; nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong quý II/2022 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho.
Ngoài ra, theo ông Trần Minh Hoàng, thuế tự vệ của Việt Nam với ngành thép và chính sách hủy bỏ hoàn thuế xuất khẩu thép của Trung Quốc đã làm độ tương quan giữa thép thanh xây dựng giữa Trung Quốc và Việt Nam giảm đi đáng kể do đã tạo nên một hàng rào chắn lưu thông thép giữa 2 quốc gia.
Trong chu kỳ giảm giá, Tập đoàn Hòa Phát (HPG), với lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí sản xuất, sẽ tận dụng cơ hội để gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bằng lò điện khi hạ sâu giá bán. Bên cạnh đó, giá thép thanh tại Việt Nam có mức độ tương quan lên tới 90% với giá thép phế, cao hơn rất nhiều so với giá thép Trung Quốc hay các nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt hay than cốc.
VCBS ước tính, trong kịch bản cơ sở khi giá thép phế ở mức trung bình 380 USD/tấn như hiện nay, HPG có thể hạ giá bán xuống mức 540 USD/tấn, tương đương khoảng 12,5 triệu đồng/tấn. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm, giá thép có thể tìm đến vùng giá thấp hơn.
Triển vọng tích cực với 2023
Từ đầu năm đến nay, giá thép trong nước liên tục giảm đã tác động đến cổ phiếu ngành này. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán kỳ vọng, giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023.
Động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có dự định đưa ra gói hỗ trợ cho vay 200 tỷ nhân dân tệ lãi suất thấp giúp tái cơ cấu các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy nền kinh tế cũng khiến nhu cầu thép tăng. Trong khi đó, với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới.
“Do nhu cầu thép được kỳ vọng sẽ tăng trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất”, một chuyên gia nhận định.
VCBS cũng cho rằng, sản lượng tiêu thụ nội địa cũng giúp thúc đẩy ngành thép tăng trưởng trong năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 34,47% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%). Nguyên nhân là do giá nguyên vật liệu tăng cao gây khó khăn cho các chủ thầu làm cho quá trình thi công cầm chừng.
Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng mới vẫn chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị làm thủ tục và phải tới cuối năm 2022 mới bắt đầu giải ngân, trong khi nửa đầu năm giải ngân chủ yếu các dự án cũ. Nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.
Cũng theo ông Trần Minh Hoàng, nguồn cung bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường này phát triển ổn định hơn.
“VCBS kỳ vọng nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý rằng các dự án xây dựng sẽ được đẩy mạnh khi giá thép duy trì ở mặt bằng giá ổn định, vì vậy sự tăng trưởng sẽ được phản ánh sau vào thời điểm giá thép ổn định”, ông Hoàng nhấn mạnh.