Triển vọng tích cực cho hoạt động đầu tư tư nhân
Theo PwC, năm 2024, hoạt động đầu tư tư nhân (Private Equity) trên thế giới sẽ có những tín hiệu khởi sắc sau khi trải qua một năm đầy khó khăn. Kinh tế thế giới phục hồi, triển vọng hạ lãi suất ở Mỹ và châu Âu, cộng với việc tổng dòng vốn đầu tư nhân đang được quản lý trên toàn cầu hiện đã lên tới 12 nghìn tỷ USD tạo kỳ vọng tích cực về hoạt động này trong năm 2024. Còn tại Việt Nam, hoạt động đầu tư tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến triển khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng có những phục hồi tích cực.
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital |
Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital cho biết, hiện các quỹ đầu tư tư nhân vẫn đang có những đánh giá tích cực và muốn đầu tư vào một số lĩnh vực của Việt Nam như lĩnh vực tài chính, khởi nghiệp, logistics, đặc biệt là lĩnh vực ESG về môi trường, văn hóa xã hội và quản trị doanh nghiệp. Hoạt động đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục phát triển ở Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới, qua đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Nhận định thế nào về hoạt động đầu tư tư nhân Private Equity trong năm 2023 tại Việt Nam, ông Andy Ho cho biết, Private equity định nghĩa là đầu tư tư nhân và có thể chia làm hai loại. Loại thứ nhất là nhà đầu tư có cơ hội thẩm định về tài chính, luật pháp, văn hóa và môi trường, quản trị doanh nghiệp. Sau đó, họ có thể thương lượng một số điều kiện đầu tư vào doanh nghiệp và có thể tham gia vào Hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp.
Loại thứ hai của Private Equity là thương lượng một số điều kiện để đầu tư vào một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trên sàn tương đối hấp dẫn ở Việt Nam. Hiện nay, 98% doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên các đối tượng doanh nghiệp này cần một số vốn từ 10 triệu đến 50 triệu USD để phát triển, có thể giúp họ phát triển về doanh thu 20 - 30%/năm hoặc lợi nhuận phát triển từ 15 – 25%/ năm đều trong 3-4 năm. Qua 15 - 20 năm qua, hoạt động đầu tư tư nhân Private Equity đã và đang phát triển tích cực.
“Chúng tôi từng đầu tư vào Hoàn Mỹ, đầu tư vào Hòa Phát, rồi vàng bạc đá quý Phú Nhuận trước khi họ lên sàn. Các khoản đầu tư thông thường từ 5 - 50 triệu USD để giúp họ phát triển, xây dựng mạng lưới mới, ban điều hành mới và nhà máy mới, giúp họ về vốn lưu động, cũng như tăng trưởng thị trường ra nước ngoài để bán hàng hóa hay dịch vụ... sau đó công ty họ lên sàn niêm yết và các nhà đầu tư chiến lược khác sẽ mua lại các khoản đầu tư ban đầu.
Như vậy sau khi các quỹ đầu tư tư nhân thoái vốn sẽ mang lại một khoản lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư để họ sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí họ sẽ kêu gọi bạn bè ở các nước tìm kiếm thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam", ông Andy Ho cho hay.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, hình thức đầu tư Private Equity cũng chưa thực sự là một hình thức đầu tư quen thuộc đối với các doanh nghiệp, bởi không phải doanh nghiệp cũng sẵn sàng để cho các nhà đầu tư khác vào sở hữu số cổ phần lớn, cũng như kiểm soát nhiều hơn…
Vậy làm thế nào để thúc đẩy kênh đầu tư này đối với các doanh nghiệp. Ông Andy Ho cho biết, đối với các nhà đầu tư tư nhân Private Equity nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải có một tầm nhìn lâu dài hơn. Nếu đầu tư Private Equity đặt mục tiêu cho doanh nghiệp chỉ trong thời gian từ 3 - 5 năm sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho chủ doanh nghiệp.
Về việc Private Equity có phù hợp đối với các doanh nghiệp niêm yết hay không, ông Andy Ho cho rằng, sau khi doanh nghiệp niêm yết rồi thì cơ hội đầu tư Private Equity vẫn có. Tuy nhiên, lúc này công việc thẩm định cũng không cần thiết nữa vì doanh nghiệp đã minh bạch theo tiêu chí niêm yết. Nhưng nếu đầu tư Private Equity, nhà đầu tư cũng mong muốn thương lượng được một số điều kiện đầu tư đó là các yếu tố như doanh nghiệp sẽ tiếp tục cam kết tăng trưởng như thế nào trong 2 - 3 năm sắp tới và họ cũng cần cam kết để cho nhà đầu tư Private Equity tham gia vào Hội đồng quản trị ở một hai vị trí hay tham gia vào ban điều hành…và nhà đầu tư Private Equity sẽ giúp doanh doanh nghiệp về tài chính, các chiến lược phát triển…
Dự báo hoạt động Private Equity tại Việt Nam ông Andy Ho cho rằng, Private Equity sẽ tiếp tục phát triển với rất nhiều cơ hội đầu tư và quy mô đầu tư cũng đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Cách đây 5 - 10 – 15 năm, dòng vốn Private Equity sẽ giải ngân xấp xỉ 5 - 10 - 15 triệu USD/thương vụ nhưng hiện nay Private Equity sẽ giải ngân từ 30- 80 triệu USD/thương vụ. Dòng vốn Private Equity tập trung vào các doanh nghiệp từ 500 triệu USD vốn hóa trở xuống và tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận khoảng 20 – 30%/năm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chủ doanh nghiệp hiểu giá trị mà nhà đầu tư Private Equity mang lại cho họ là gì và sẽ hợp tác với họ như thế nào. “Công việc của tôi là đi ngồi với các lãnh đạo của các doanh nghiệp để hiểu biết những khó khăn của họ và biết được mục tiêu phát triển kinh doanh của họ là gì thì mới có thể nhận xét là Private Equity có thể giúp được họ hay không”, ông Andy Ho dẫn chứng.
Được biết, VinaCapital hiện giờ đang quản lý 4 tỷ USD, trong đó lĩnh vực Private Equity mà ông Andy Ho trực tiếp quản lý khoảng 1,2 tỷ USD. Đa số đã giải ngân rồi và vẫn còn một số tiền khoảng gần 200 triệu USD sẵn sàng giải ngân tiếp vào những cơ hội tiếp theo. Đồng thời, VinaCapital cũng đang tiếp tục huy động dòng vốn Private Equity ở nước ngoài để đầu tư vào một số lĩnh vực sâu hơn, ví dụ như lĩnh vực logistics.
Chúng tôi đang hợp tác với hãng A.P.Moller, công ty vận chuyển vận tải lớn nhất trên thế giới (sở hữu công ty con là Maersk) đang muốn đầu tư khoảng 300 – 400 triệu USD vào lĩnh vực logistics về cảng biển, vận chuyển, kho bãi… VinaCapital đang huy động nguồn vốn này để đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng đang huy động nguồn vốn từ Mỹ, Châu Âu, Nhật, Singapore… để vào lĩnh vực đầu tư khởi nghiệp, ông Andy Ho chia sẻ.
Bên cạnh đó, hiện nay, VinaCaptial đang tập trung đầu tư vào ba lĩnh vực, đó là lĩnh vực tài chính, lĩnh vực về luật và lĩnh vực ESG về môi trường, văn hóa, xã hội và quản trị doanh nghiệp.