Trong thách thức… vẫn có nhiều cơ hội
Doanh nghiệp đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu kỹ thuật số 2023 Nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút vốn ngoại và mục tiêu tăng trưởng |
Năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn, thách thức, nhưng tăng trưởng kinh tế cả năm vẫn đạt 5,05% và thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới… Ông có đánh giá gì về những kết quả này?
PGS. TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội |
Trước hết phải nói rằng 2023 là năm cả thế giới phải đối đầu với nhiều “làn gió ngược” nên kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kỳ vọng đặt ra. “Làn gió ngược” mà toàn cầu phải đối mặt chính là làn sóng về lạm phát tăng cao khiến rất nhiều quốc gia và thị trường lớn đều thực hiện các chính sách tăng lãi suất chống lạm phát. Khi tăng lãi suất sẽ làm giảm đầu tư và tăng chi phí vốn. Diễn biến lạm phát cao cũng khiến tổng cầu cả thế giới năm 2023 suy giảm rất mạnh nên chỉ số mua hàng của các nhà sản xuất ở hầu hết các khu vực đều rất thấp, cho thấy các lĩnh vực sản xuất không tăng trưởng vì không có thị trường đầu ra.
Kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao nên khi kinh tế thế giới gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến tăng trưởng kinh tế của chúng ta.
Tuy vậy, kết quả Việt Nam đạt được chính là việc chúng ta đi ngược dòng “làn gió ngược” ấy. Là một nước phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu, khi lạm phát thế giới tăng cao, đặc biệt ở những thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát trong nước, gọi là tình trạng nhập khẩu lạm phát. Trước bối cảnh đó, chúng ta phải dành các nguồn lực để chống lạm phát, thậm chí phải hy sinh tăng trưởng để kiềm chế, chống lạm phát. Chúng ta đều biết rằng, khi thực hiện các biện pháp như vậy sẽ hạn chế, không khuyến khích đầu tư, khi đó, sẽ không thể tăng trưởng.
Nhưng trong bối cảnh khó khăn như vậy, chúng ta vẫn đạt mức tăng trưởng 5,05%. So với mục tiêu 6,5% tuy chưa đạt, nhưng đây đã là nỗ lực rất lớn. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều có tốc độ tăng trưởng rất thấp, như Mỹ khoảng 2,4%, châu Âu hơn 1%... thì tăng trưởng 5,05% là mức cao nhất khu vực và thế giới. Nhưng điều quan trọng hơn là con số 5,05% tăng trên nền tăng trưởng của năm 2022 là 8%, nó khó khăn hơn rất nhiều so với những nước năm 2022 có tốc độ tăng trưởng thấp.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thành công đúng nghĩa đi ngược lại so với “làn gió ngược” xu thế lạm phát của thế giới. Trong khi hầu hết các nước, khu vực có kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu tỷ lệ lạm phát khá cao, các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) liên tục phải tăng lãi suất thì Việt Nam đã đi ngược lại xu thế này, là một trong những nước tiên phong giảm lãi suất bốn lần… giúp chỉ số lạm phát năm 2023 rất thấp, chỉ tăng 3,25% so với mục tiêu cho phép là 4,5%.
Một thành công khác là trong xu thế nợ công và nợ của doanh nghiệp trên thế giới đều tăng nhanh thì ở Việt Nam, nợ công giảm xuống rất thấp. Năm 2023, chỉ số nợ công dưới 40% GDP, rất thấp so với giới hạn an toàn 60%. Điều đáng nói là nợ công liên tục giảm trong những năm qua, thể hiện sự thành công lớn trong kiểm soát an toàn tài chính quốc gia.
Bên cạnh đó, năm 2023 chúng ta cũng điều hành tỷ giá linh hoạt chủ động nên giá trị đồng tiền ổn định, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý do trong bối cảnh thế giới năm 2023 dù rất khó khăn, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng cao, các chỉ số khác tăng trưởng tốt; các chỉ số về kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Xếp hạng về tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2023 tăng lên mức triển vọng ổn định trong khi một số quốc gia lại bị đánh giá tụt hạng.
Có được thành công này, chúng ta đã thực hiện rất hiệu quả chính sách điều hành về tài khóa và tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Chính nhờ chính sách tài khóa ổn định và tiền tệ linh hoạt đã tạo ra ổn định kinh tế vĩ mô, là tiền đề để tạo ra các động lực cho các khu vực khác tăng trưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông những bất cập, hạn chế nào đang tạo ra “nút thắt” kìm hãm đà tăng trưởng trong năm qua? Chúng ta cần những giải pháp gì để tháo gỡ trong năm tới?
Đúng là chúng ta đã đạt được những thành công, nhưng nhìn lại nền kinh tế vẫn thấy còn nhiều bất cập, nhiều điểm yếu cần tập trung tháo gỡ. Điểm yếu điển hình nhất, rõ nhất hiện nay là năng lực, tiềm lực của các doanh nghiệp suy giảm rất mạnh. Các doanh nghiệp không còn nguồn lực, đủ dự trữ để đầu tư, thậm chí hiện nay cung vốn tín dụng khá sẵn, khá rẻ nhưng doanh nghiệp cũng không có khả năng hấp thụ để đầu tư cho hoạt động kinh doanh bởi vì không có hướng phát triển kinh doanh, không có thị trường… Điều này đặt ra cho chúng ta trong năm 2024 phải thiết kế các chính sách vào việc tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi nền kinh tế muốn tăng trưởng, phát triển được phải dựa vào việc các doanh nghiệp có hồi phục, bứt phá được hay không.
Một điểm yếu khác là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất mạnh vào đầu tư FDI, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ dừng lại ở việc tham gia những khâu, công đoạn có giá trị gia tăng thấp, khiến năng suất của doanh nghiệp Việt Nam không cao... Chúng ta cần phải tái cấu trúc lại các khu vực doanh nghiệp, tái cấu trúc lại việc thu hút đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cơ hội cho năm 2024 của chúng ta đang rất rộng mở để đặt chân vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo... Nếu có được chiến lược phù hợp, tiếp cận và chớp thời cơ làn sóng đầu tư mới cho ngành công nghiệp này, kì vọng sẽ tạo ra được cơ hội cho tái kiến trúc nền kinh tế đi vào chiều sâu.
Một vấn đề khác là cầu của thị trường còn rất khó khăn. Để kích cầu cần đi theo hai hướng. Một là, tiếp tục tăng cường đầu tư công, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông để giảm chi phí kết nối, giảm chi phí logistics, tăng thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước. Nhưng đồng thời cần mở rộng sang các lĩnh vực đầu tư công mới, đặc biệt là đầu tư công về hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số, hạ tầng khoa học công nghệ… tạo động lực mới trong đổi mới sáng tạo và kinh tế số.
Hai là, tiếp tục thực hiện các chính sách để kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình hỗ trợ thuế, giảm thuế VAT, thúc đẩy các điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, tạo công ăn việc làm, thực hiện chính sách về cải cách tiền lương mới, tăng thu nhập cho khu vực công… từ đó lan tỏa sang các khu vực khác. Đồng thời với đó là thực hiện các chính sách về an sinh xã hội để tăng thu nhập cho các đối tượng, tạo thêm các nguồn thu để tăng kích cầu tiêu dùng.
Một điểm yếu khác trong năm 2023 là tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm. Đây là một trong những nút thắt không chỉ trong lĩnh vực công mà còn tạo ra tác động, ảnh hưởng xấu, kìm hãm cả các khu vực tư nhân trong phát triển. Do vậy năm 2024 phải đẩy mạnh cải cách thể chế và tháo gỡ nút thắt để khắc phục tình trạng này. Tôi cho rằng, đây sẽ là một trong những trọng tâm trong cải cách thể chế, nhưng cũng là giải pháp tạo ra đột phá thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo… như kết luận số 14 của Bộ Chính trị, tạo ra động lực mới cho phát triển.
Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 đến 6,5%, trong khi kiểm soát lạm phát khoảng 4-4,5%. Theo ông liệu chúng ta có đạt được mục tiêu này?
Các tổ chức quốc tế đều dự báo năm 2024, nền kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và tăng trưởng sẽ thấp hơn năm 2023. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo năm 2024 chỉ từ 2-3%. Các nền kinh tế lớn khác cũng đều dự báo giảm, như Mỹ 2023 đạt 2,4%, 2024 dự báo chỉ còn 1,5%; Nhật Bản năm 2023 đạt 2%, năm 2024 dự báo chỉ khoảng 1%; Trung Quốc năm 2023 đạt 5,2%, năm 2024 dự báo chỉ đạt 4%... Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại là nền kinh tế tác động trực tiếp rất mạnh với tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thì rõ ràng bối cảnh kinh tế thế giới chưa thuận lợi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.
Bởi vậy, để đạt mục tiêu 6 - 6,5% chúng ta phải nỗ lực rất lớn và vẫn có thể đạt được bởi một số tiền đề. Thứ nhất, nếu 2023 là một năm cả thế giới phải đối mặt với khó khăn như lạm phát, xung đột chính trị… tác động rất mạnh đến nước ta. Ở trong nước, chúng ta cũng đang trong giai đoạn khó khăn sau khi chống chọi với dịch bệnh Covid khiến giai đoạn đầu năm 2023 tác động rất mạnh đến doanh nghiệp. Tình trạng nợ trái phiếu khiến rất nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị vỡ nợ hay vụ việc của Ngân hàng SCB ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế… thì năm 2024, những yếu tố bất lợi của bối cảnh thế giới và trong nước sẽ giảm bớt. Các dự báo kinh tế thế giới đều cho thấy lạm phát ở hầu hết các thị trường lớn đều giảm và lãi suất cũng giảm… Điều này sẽ giúp chúng ta không còn lo ngại về nhập khẩu lạm phát nên có thể dành thêm nguồn lực chuyển sang ưu tiên cho đầu tư, tăng trưởng.
Thứ hai, ở trong nước, các doanh nghiệp tuy khó khăn, nhưng những mối đe dọa như tình trạng nợ/tình trạng phá sản của các doanh nghiệp hay tình trạng bất ổn của hệ thống tài chính đã được cải thiện và đang ở tình trạng khá tốt. Dự báo môi trường cho tăng trưởng đầu tư của năm 2024 đối với nền kinh tế có thể sẽ ổn định và tốt hơn năm 2023. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2023 đến nay đang đi lên khá tốt với quý I là 3,41%, quý II là 4,25%, quý III là 4,57% và quý IV là 6,72%. Như vậy, bối cảnh cả trong nước, thế giới năm 2024 đang có chiều hướng tốt hơn 2023, tạo kỳ vọng tăng trưởng của năm 2024 sẽ tiếp tục trên nền tảng của năm 2023 và chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn thấy các cơ hội phát triển mới cho Việt Nam như các luồng đầu tư công nghệ cao, thu hút những tập đoàn lớn về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Nếu chớp được cơ hội này trong năm 2024, chúng ta không chỉ tạo sự thay đổi về vị thế cho tương lai, cho kỳ vọng mà đặc biệt sẽ mở ra sự phát triển về chất cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Trong bối cảnh như vậy, ông có khuyến nghị gì đối với công tác điều hành CSTT để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024?
Năm 2024 sẽ có nhiều tiền đề để chúng ta có thể thực hiện CSTT vững chắc hơn so với năm 2023. Bởi lẽ những áp lực về lạm phát, về tỷ giá trong năm 2024 sẽ giảm bớt mức lãi suất cho vay hiện nay cũng thấp. Trên tiền đề lãi suất thấp, chúng ta cũng có thể kỳ vọng năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức hợp lý, không quá cao để ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính vì vậy, CSTT năm 2024 cần phải hướng sang một CSTT mở rộng, linh hoạt nhưng thận trọng... Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn chưa đủ nguồn lực, tiềm lực để tạo ra một sự tăng trưởng ổn định, thậm chí nhiều doanh nghiệp hiện đang rơi vào trạng thái còn nợ cũ, thậm chí nợ xấu và không còn tài sản bảo đảm… các ngân hàng trong cung cấp, tài trợ tín dụng cần phải chuyển sang phương thức quản lý, giám sát mới là giám sát dòng tiền theo các chương trình, dự án cần tài trợ vốn chứ không nên theo yếu tố lịch sử của doanh nghiệp.
Về tỷ giá, năm 2024 sẽ có thách thức nhiều hơn năm 2023 bởi lẽ khi chúng ta kỳ vọng một nền kinh tế phục hồi thì cán cân thương mại giữa xuất - nhập khẩu cũng sẽ thay đổi. Đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi mạnh thì nhu cầu nhập khẩu khá cao và như vậy thâm hụt về thương mại có thể sẽ không có cán cân dương lớn. Khi đó, dự trữ về ngoại tệ có thể sẽ là một yếu tố cần phải được cân nhắc để chúng ta sẽ điều hành CSTT linh hoạt; tỷ giá linh hoạt nhưng ổn định, không để ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt khi chúng ta đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!