Trừ điểm vào giấy phép lái xe nếu phạm luật giao thông
Điều khoản về điểm trừ giấy phép lái xe (GPLX) là điểm hoàn toàn mới của Luật Trật tự (ATGT). Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam luật hóa điểm của GPLX.
Cụ thể, Điều 58 của Luật này quy định: Điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.
Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của Luật này do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Cấm tham gia giao thông nếu bị trừ hết điểm giấy phép lái xe |
Khi đổi, cấp lại, nâng hạng giấy phép lái xe thì vẫn giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, quy định điểm, trừ điểm GPLX là biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp bằng lái.
Quy định này nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Được biết, Luật Trật tự ATGT đường bộ gồm 9 chương, 89 điều, quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, Luật quy định hơn 27 hành vi bị cấm như: Điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo quy định; điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.