Trung Quốc đối mặt với nguy cơ giảm phát
Nhiều mặt hàng khuyến mại đến 100% từ ngày 4/12 đến ngày 9/2/2024 Trung Quốc gia tăng đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam |
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm thứ Bảy tuần trước (9/12) cho thấy, CPI tháng 11 tại Trung Quốc giảm 0,5% so với tháng 10 và cũng giảm tương tự so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm của CPI so với cùng kỳ năm trước là mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Trong khi CPI cơ bản (không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu) chỉ tăng với tốc độ hàng năm là 0,6%, ngang bằng với mức tăng của tháng 10.
Một chỉ báo đáng quan ngại khác đo là chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 3,0% so với cùng kỳ trong tháng 11, mạnh hơn so với mức giảm 2,6% trong tháng 10, ghi nhận tháng giảm thứ 14 liên tiếp và là tháng giảm nhanh nhất kể từ tháng 8.
Xu Tianchen - Nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit cho biết, dữ liệu này là rất đáng báo động đối với các nhà hoạch định chính sách và trích dẫn ba yếu tố chính đằng sau nó: giá năng lượng toàn cầu giảm, sự bùng nổ du lịch mùa đông đang mờ dần và tình trạng dư cung thường xuyên. “Áp lực giảm giá sẽ tiếp tục gia tăng vào năm 2024 khi các nhà phát triển và chính quyền địa phương tiếp tục giảm đòn bẩy và do tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại”, Xu cho biết.
Bruce Pang - Nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle cũng cho rằng, chỉ số CPI cơ bản yếu là cảnh báo về nhu cầu trì trệ kéo dài, đây phải là ưu tiên chính sách của Trung Quốc nếu muốn mang lại tăng trưởng bền vững và cân bằng hơn.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều trở ngại trong năm nay, bao gồm nợ chính quyền địa phương ngày càng gia tăng, thị trường nhà đất yếu kém và nhu cầu ảm đạm trong và ngoài nước. Người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt đang thắt chặt hầu bao do lo ngại về những bất ổn trong quá trình phục hồi kinh tế khó nắm bắt.
Trong một phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ phù hợp để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, nhưng cũng kêu gọi cải cách cơ cấu để giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và tài sản để tăng trưởng.
Tên thực tế từ đầu năm đến nay, PBoC đã cắt giảm lãi suất đối với một số khoản vay và bơm thêm tiền mặt trong những tháng gần đây, trái ngược với các nền kinh tế lớn khác đang thắt chặt chính sách để giải quyết lạm phát. Đặc biệt hồi tháng 9, PBoC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lần thứ hai trong năm nay.
Tuy nhiên PBoC đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm ở mức 3,45% và lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm ở mức 4,2% trong tháng 11. Trước đó PBoC cũng giữ nguyên lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) ở mức 2,5%.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân khiến PBoC giữ nguyên lãi suất LPR chủ yếu do đồng nhân dân tệ suy yếu đã hạn chế việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa và các nhà hoạch định chính sách đang chờ xem tác động của các biện pháp kích thích trước đó đối với nhu cầu tín dụng.
“Các nhà hoạch định chính sách có thể muốn có thêm thời gian để tiếp cận tác động của việc định giá lại các hợp đồng thế chấp hiện tại gần đây trước khi họ thực hiện những thay đổi tiếp theo đối với lãi suất cơ bản”, Julian Evans-Pritchard – Trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.
Tuy nhiên với động lực kinh tế yếu và áp lực giảm giá, gới chuyên gia cho rằng, PBoC sẽ sớm có những biện pháp nới lỏng mạnh mẽ hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước.