Trung Quốc lên kế hoạch kích thích tài khóa
PBoC sẽ "bơm" 500 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ thị trường chứng khoán |
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư đang hy vọng được nghe về một kế hoạch chi tiết hơn, như chính phủ sẽ tung ra bao nhiêu tiền để kích thích nền kinh tế, thì họ đã thất vọng. “Sức mạnh của kế hoạch kích thích tài khóa được công bố yếu hơn dự kiến. Không có thời gian biểu, không có số tiền, không có thông tin chi tiết về cách chi tiêu số tiền này”, Huang Yan, Giám đốc đầu tư tại công ty Shanghai QiuYang Capital Co ở Thượng Hải, cho biết.
Huang đã hy vọng sẽ có thêm nhiều biện pháp kích thích hơn để thúc đẩy tiêu dùng, trong khi các nhà phân tích thị trường đã tìm kiếm một gói chi tiêu từ 2 nghìn tỷ nhân dân tệ đến 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (283 tỷ USD đến 1,4 nghìn tỷ USD).
Trước đó, Reuters đã đưa tin rằng Trung Quốc có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm nay như một phần của gói kích thích tài khóa mới. Bloomberg News cũng đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc việc bơm tới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ vốn vào các ngân hàng nhà nước lớn nhất của mình.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lan không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào tại buổi họp báo.
Vào cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã công bố các biện pháp hỗ trợ tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch Covid-19, bao gồm nhiều bước giúp đưa lĩnh vực bất động sản thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng kéo dài nhiều năm, trong đó có việc cắt giảm lãi suất thế chấp. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại rằng việc cắt giảm lãi suất đơn thuần mà PBoC đã công bố là chưa đủ để giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đã đề ra trong năm nay.
Mặc dù Bộ trưởng Lan đã cam kết tái cấp vốn cho các ngân hàng nhà nước lớn, cho thấy chính quyền kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ phục hồi, nhưng theo Jason Bedford, cựu chuyên gia phân tích về kinh tế Trung Quốc tại Bridgewater và UBS, "Cách duy nhất để nền kinh tế cần thêm tín dụng là nếu bạn tạo ra nhu cầu tín dụng, và điều đó chỉ có thể thực hiện được khi bạn cung cấp hỗ trợ tài chính".
Lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc bất ngờ giảm vào tháng 9, trong khi giảm phát giá sản xuất sâu hơn, làm gia tăng áp lực buộc nước này phải nhanh chóng triển khai thêm các biện pháp kích thích để phục hồi nhu cầu đang suy yếu và ổn định hoạt động kinh tế.
Cụ thể, báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc vừa được công bố hôm 13/10 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tại nước này chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 0,6% vào tháng 8. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu dễ biến động, cũng chỉ tăng 0,1% trong tháng 9, giảm so với mức 0,3% trong tháng 8, ám chỉ rằng áp lực giảm phát đang gia tăng. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng khi giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 9, sau mức giảm 1,8% của tháng trước.
Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực kích thích trong những tuần gần đây để thúc đẩy nhu cầu và đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,0% trong năm nay, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng các động thái này chỉ có thể mang lại sự cứu trợ tạm thời cho nền kinh tế, và cần sớm có các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Với rất ít thông tin mới từ cuộc họp báo của Bộ Tài chính hôm 12/10, một số nhà phân tích hiện đang hy vọng rằng cuộc họp của quốc hội Trung Quốc, dự kiến diễn ra trong những tuần tới, sẽ công bố các đề xuất cụ thể hơn.