Tuân thủ thuế tối thiểu toàn cầu là phù hợp xu thế chung
Đại biểu Quốc hội: Vẫn còn thiếu thuốc, chuyển tuyến khó khăn |
Đảm bảo tính công bằng, thể hiện sự tiến bộ và minh bạch
Trong phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra laay ý kiến dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp này.
Nghị quyết được ban hành sẽ giúp môi trường thu hút đầu tư nước ngoài đảm bảo tính minh bạch, công bằng; giúp Việt Nam đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu; đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới; trong khi vẫn giữ được các chính sách ưu đãi đối với các trường hợp áp dụng các doanh nghiệp mà không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần tiếp tục đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quốc gia, đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng về giao thông góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh. Hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nên có đầu mỗi hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Cùng với đó, xem xét có chính sách ưu đãi nhất là vấn đề về hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), dù việc ban hành này là không bắt buộc, nhưng để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc nên cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song song với đó cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên theo đại biểu, dự kiến việc ban hành nghị quyết này có thể tác động làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.
Giảm thiểu những tác động bất lợi
Để giảm thiểu những tác động bất lợi, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, đồng thời với việc ban hành Nghị quyết này, Quốc hội cũng cần ban hành thêm nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn để đáp ứng cùng một lúc cả hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.
Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.
“Trong khi chúng ta chưa ban hành được nghị quyết này (về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ) hoặc chưa điều chỉnh pháp luật theo hướng này, tôi đề nghị Quốc hội khẳng định trong nghị quyết chung của kỳ họp về việc Quốc hội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng như trên để có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược và giao cho Chính phủ tích cực chuẩn bị để Quốc hội có thể ban hành nghị quyết và các điều chỉnh pháp luật cần thiết có liên quan trong lĩnh vực này”, vị đại biểu đề xuất.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc |
Cũng theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, có một số đại biểu băn khoăn về việc theo Điều 13 của Luật Đầu tư hiện hành quy định về đảm bảo đầu tư thì khi ban hành và áp dụng nghị quyết về thuế tối thiểu này có khả năng các nhà đầu tư khiếu kiện chúng ta hay không và khả năng chúng ta kiểm soát các khiếu kiện như thế nào.
“Tôi nghĩ rằng hiện nay họ hoàn toàn có thể kiện chúng ta, tuy nhiên trong trường hợp khiếu kiện xảy ra thì các công ty đa quốc gia cũng sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại thực sự do chính sách mới gây ra, vì nếu họ không nộp thuế bổ sung ở Việt Nam thì họ phải nộp thuế ở nước khác. Ngoài ra, tài liệu hướng dẫn về việc thực hiện các thủ tục hành chính do OECD ban hành đã đưa ra hướng dẫn. Theo đó, bất kỳ khoản thuế tối thiểu nội địa nào mà tập đoàn đa quốc gia trực tiếp hoặc gián tiếp khiếu kiện, khiếu nại theo các thủ tục tố tụng hành chính hoặc tư pháp sẽ không được coi là thuế tối thiểu nội địa phải nộp được trừ khỏi số thuế phải nộp của nước mẹ. Điều đó có nghĩa là khi doanh nghiệp có hành động khiếu kiện với khoản nộp thuế bổ sung của Việt Nam thì ngay lập tức họ sẽ có nguy cơ phải nộp khoản thuế đó tại nước ngoài và dù chưa biết là thắng kiện hay thua kiện thì điều này sẽ làm giảm động lực khởi kiện của các công ty đa quốc gia đối với chúng ta”, đại biểu phân tích và cho rằng, các quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD đã khá chặt chẽ, đã có những hình thức ngăn chặn và làm giảm động lực để các nhà đầu tư khi có ý định khởi kiện đối với các nước họ đầu tư.
“Với tất cả những phân tích nêu trên, tôi đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại kỳ họp này để chúng ta có thể giữ được quyền thu thuế cho quốc gia, đồng thời phù hợp với xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực; và chúng ta cũng chuẩn bị sẵn sàng những lập luận cần thiết để khi các nhà đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng của sắc thuế này trao đổi hoặc là khiếu kiện chúng ta…”, đại biểu Lộc nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, nếu ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, như thế thì Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Huân cũng đồng ý với đại biểu Vũ Tiến Lộc và các ý kiến phát biểu trước đó, là với việc ban hành nghị quyết này chúng ta phải nhìn trước được các rủi ro, có thể thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn với các nhà đầu tư FDI nên chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ bổ sung.
“Song song với việc Chính phủ sớm đánh giá toàn diện các tác động thì cũng nên nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ”, đại biểu Huân nói và cho rằng, ngoài các chính sách mà các đại biểu trước đã nêu (như về hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao) thì nên nhấn mạnh tới công nghiệp hỗ trợ. Bởi phát triển được công nghiệp hỗ trợ sẽ giữ chân doanh nghiệp FDI tốt nhất, đồng thời cũng giúp chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn.