Tương lai số cho ngành Ngân hàng: Vận hành an toàn và bền vững
Cake - ngân hàng số đầu tiên cho vay tiêu dùng tại Thế giới Di động Nam A Bank - thương hiệu tiên phong đổi mới sáng tạo 2024 Ngân hàng số ngày càng được ưa chuộng nhờ AI |
Hành lang pháp lý ngày càng rộng mở
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được. Chẳng hạn, khách hàng có thể mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021, cho đến việc từ ngày 1/10/2024 chỉ cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn… “Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Trên thực tế, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành Ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch, và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Cụ thể, ngành Ngân hàng đã kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông,… “Kết nối và tích hợp là điểm mới, điểm sáng mà ngành Ngân hàng đã làm được”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Phó Thống đốc cho biết, sau khi quy định mới có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Dù vậy, lãnh đạo NHNN khẳng định, không có biện pháp nào triệt để và hoàn hảo, quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên hiện đang xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Toàn cảnh Hội thảo |
Do đó, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo nếu xảy ra vấn đề thì truy vết được người ký.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác, bởi các doanh nghiệp được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực.
Chuyển mình mạnh mẽ về công nghệ
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa. Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Thông tin về sự gia tăng của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ứng dụng di động và các giải pháp thanh toán điện tử, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực, các hệ thống thanh toán quan trọng hoạt động thông suốt, an toàn. Hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; và nhiều ngân hàng đã có hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa |
Trong 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 49,83% và 33,72%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59,09% và 37,97%, giao dịch qua QR Code tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị. Giao dịch qua ATM giảm 13,35% về số lượng và giảm 6,13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển của người dân sang thanh toán không tiền mặt.
“An ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng nghiệp vụ ngân hàng, cũng như hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được tăng cường. Đến nay, đã có khoảng hơn 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Đây được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có hàm lượng công nghệ cao, dịch vụ cá nhân hóa cao nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được coi trọng. Toàn Ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng, giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất. Trong đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.
Nhận định, những lợi ích và xu hướng bắt buộc áp dụng AI trong ngành Ngân hàng đã thấy rõ, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu.