Ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu
Ngành ngân hàng tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn khởi sắc Thúc đẩy hợp tác tăng trưởng tín dụng tam nông |
Đơn cử như Hợp tác xã rau an toàn Mười Hai (Long An), Giám đốc Lê Văn Giấy cho biết, bằng các giải pháp sản xuất rau trong nhà lưới, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, Hợp tác xã đã nâng diện tích sản xuất lên 163ha, với 40 chủng loại rau, cung ứng ra thị trường nội địa thông qua hệ thống Coop Mart Long An và các tỉnh lân cận. Cho đến nay, Hợp tác xã đã đầu tư nhà kho bảo quản rau sau sơ chế để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các đơn vị liên kết.
“Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thay đổi phương thức tổ chức sản xuất nông sản của nhiều hợp tác xã thông qua các mô hình ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như trồng rau trong nhà lưới, nhà màng; các mô hình tưới tiết kiệm, mô hình rau thuỷ canh, mô hình trồng thanh long tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động; mô hình trồng lúa, các mô hình nuôi bò… sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực, tạo ra chuỗi liên kết từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, xuất khẩu.
Tương tự như vậy, cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ khoa học cho giá trị kinh tế cao đối với lúa, trái cây, hoa, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản... mô hình cánh đồng lớn. Có thể kể đến như mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh tại Cần Thơ có doanh thu bình quân 500 triệu đồng/ha/năm; vùng xoài cát Hòa Lộc sản lượng 10.000 tấn/năm, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh tại Bạc Liêu (năng suất 80 tấn/ha năm, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha), mô hình sản xuất lợn giống (270.000 con giống/năm)... Nhờ đó, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 -56 tỷ USD.
Ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các công nghệ hiện đại giúp kéo dài thời gian bảo quản, sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng trên 20%, có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách làm truyền thống, đạt chất lượng tương đương với nhập khẩu nhưng vẫn tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Từ năm 2020 đến 2023, ngành nông nghiệp đã ứng dụng 233 tiến bộ kỹ thuật mới thông qua các quy trình VietGAP, an toàn dịch bệnh... giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất trung bình từ 15%, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chính vì vậy, để gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng chủ đạo, là chìa khóa thành công của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới. Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới, tạo môi trường thuận lợi, cơ chế, chính sách phù hợp để các nhà khoa học phát huy tối đa khả năng, nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong 10 năm tới, các công nghệ có tác động lớn nhất đến năng suất nông nghiệp sẽ bao gồm việc sử dụng cây trồng biến đổi gen, quản lý đất và nước, kiểm soát dịch hại, chế biến sau thu hoạch, ứng dụng sinh học phân tử vào vật nuôi và cây trồng…
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng công nghệ vào bảo quản và chế biến nông sản đang trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao và vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng, cơ sở đào tạo và người dân là rất điều cần thiết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đóng một vai trò chủ đạo trong việc nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản. Sự đầu tư và cam kết của họ là yếu tố quyết định đến thành công của quá trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngân hàng phát triển cung cấp các gói tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp để có thể đầu tư vào công nghệ cao. Việc cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi và điều kiện vay linh hoạt giúp giảm bớt “gánh nặng” tài chính cho doanh nghiệp. Ngoài ra, một thách thức lớn hiện nay là việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản quốc gia, bởi hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế.